Chủ thể tham gia tố tụng dân sự theo pháp luật Việt Nam

Trong tố tụng dân sự, các chủ thể tham gia đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên. Mỗi chủ thể có vị trí, quyền và nghĩa vụ riêng theo quy định của pháp luật. Việc xác định đúng tư cách tham gia tố tụng giúp đảm bảo quá trình xét xử công bằng, minh bạch và hiệu quả. Qua bài viết dưới đây META Law Firm sẽ cùng bạn tìm hiểu và làm rõ các chủ thể tham gia tố tụng dân sự và vai trò của từng chủ thể khi tham gia vào tiến trình tố tụng dân sự theo quy định pháp luật hiện nay.

1. Khái niệm chủ thể của luật tố tụng dân sự

Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, có rất nhiều chủ thể tham gia với vai trò, tư cách tố tụng khác nhau. Tất cả các chủ thể này đều được coi là chủ thể của luật tố tụng dân sự. Có thể hiểu chủ thể của luật tố tụng dân sự là các cá nhân, cơ quan, tổ chức tham gia vào quá trình tố tụng dân sự với những quyền hạn và nghĩa vụ nhất định theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức; đồng thời làm sáng tỏ nội dung, tình tiết của vụ việc dân sự, đảm bảo công bằng xã hội. Các chủ thể này được chia làm hai tuyến dựa vào vai trò, tính chất hoạt động tố tụng của họ:

  • Tuyến thứ nhất là các chủ thể có quyền ra các quyết định và thực hiện các hành vi tố tụng mang tính quyền lực Nhà nước. Đó là các cơ quan tiến hành tố tụng (bao gồm: Tòa án, Viện kiểm sát) và những người người tiến hành tố tụng (Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án, Thẩm tra viên, Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên) là những người thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan tiến hành tố tụng.
  • Tuyến thứ hai là các chủ thể tham gia vào tiến trình tố tụng dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hay của người khác, hoặc hỗ trợ cho Tòa án trong việc giải quyết vụ việc dân sự. Các hoạt động của họ chịu sự chi phối, điều khiển của các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng.
Chủ thể tham gia tố tụng dân sự theo pháp luật Việt Nam
Chủ thể tham gia tố tụng dân sự theo pháp luật Việt Nam

2. Khái niệm chủ thể tham gia tố tụng dân sự

Chủ thể tham gia tố tụng dân sự, hay nói cách khác là người tham gia tố tụng dân sự là những người tham gia vào quá trình tố tụng dân sự với tư cách là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình hay quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc tham gia hỗ trợ cho Tòa án trong việc giải quyết vụ việc dân sự công bằng và hiệu quả.

Những người tham gia tố tụng dân sự bao gồm: Đương sự (Nguyên đơn, Bị đơn và Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan), Người đại diện của đương sự, Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, Người làm chứng và Người giám định. Các chủ thể này được quy định chi tiết ở Chương VI, từ Điều 68 đến Điều 90 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

3. Người tham gia tố tụng dân sự

3.1. Đương sự

Đương sự là người tham gia tố tụng dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc bảo vệ lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng.

Đương sự trong vụ án dân sự bao gồm: Nguyên đơn, Bị đơn và Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

  • Nguyên đơn trong vụ án dân sự là người khởi kiện, người được cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm.
  • Bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc bị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm.
  • Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Đương sự trong vụ án dân sự bao gồm: Nguyên đơn, Bị đơn và Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan
Đương sự trong vụ án dân sự bao gồm: Nguyên đơn, Bị đơn và Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan

Đương sự trong việc dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm người yêu cầu giải quyết việc dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

  • Người yêu cầu giải quyết việc dân sự là người yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý làm căn cứ phát sinh quyền, nghĩa vụ về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của mình hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; yêu cầu Tòa án công nhận cho mình quyền về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.
  • Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc dân sự là người tuy không yêu cầu giải quyết việc dân sự nhưng việc giải quyết việc dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc đương sự trong việc dân sự đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Quyền, nghĩa vụ của đương sự gồm 26 quyền và nghĩa vụ cơ bản được quy định tại Điều 70 BLTTDS 2015. Ngoài các quyền, nghĩa vụ cơ bản của đương sự được quy định tại Điều 70 thì nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có một số quyền và nghĩa vụ cụ thể như sau:

Nguyên đơn

  • Thay đổi nội dung yêu cầu khởi kiện; rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện.
  • Chấp nhận hoặc bác bỏ một phần hoặc toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.

Bị đơn

  • Được Tòa án thông báo về việc bị khởi kiện.
  • Chấp nhận hoặc bác bỏ một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.
  • Đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, nếu có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn hoặc đề nghị đối trừ với nghĩa vụ của nguyên đơn. Đối với yêu cầu phản tố thì bị đơn có quyền, nghĩa vụ như của nguyên đơn.
  • Đưa ra yêu cầu độc lập đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và yêu cầu độc lập này có liên quan đến việc giải quyết vụ án. Đối với yêu cầu độc lập thì bị đơn có quyền, nghĩa vụ như của nguyên đơn.
  • Trường hợp yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập không được Tòa án chấp nhận để giải quyết trong cùng vụ án thì bị đơn có quyền khởi kiện vụ án khác.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan

  • Có thể có yêu cầu độc lập hoặc tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc với bên bị đơn.
  • Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập và yêu cầu độc lập này có liên quan đến việc giải quyết vụ án thì có quyền, nghĩa vụ như của nguyên đơn.
  • Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc chỉ có quyền lợi thì có quyền, nghĩa vụ như của nguyên đơn.
  • Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu tham gia tố tụng với bên bị đơn hoặc chỉ có nghĩa vụ thì có quyền, nghĩa vụ như của bị đơn.

3.2. Người đại diện của đương sự

Người đại diện của đương sự là người tham gia tố tụng thay mặt đương sự thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng của đương sự.

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, có 02 loại người đại diện hợp pháp của đương sự trong tố tụng dân sự: người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền.

  • Người đại diện theo pháp luật là những người được quy định tại Điều 136 và Điều 137 Bộ luật dân sự 2015, trừ trường hợp bị hạn chế quyền đại diện, bao gồm đại diện theo pháp luật của cá nhân và pháp nhân. Những người này bao gồm cha, mẹ đối với con chưa thành niên, người giám hộ đối với người được giám hộ; người được Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người đứng đầu pháp nhân theo quy định của Điều lệ pháp nhân hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền…

Như vậy, không có khái niệm người thân thích trong tố tụng dân sự. Chỉ trong một số trường hợp người thân là người đại diện theo pháp luật như cha, mẹ đối với con chưa thành niên, hay anh, chị, em ruột trong gia đình (đã thành niên) là đại diện theo pháp luật của anh, chị, em ruột chưa thành niên (Trường hợp không có cả cha lẫn mẹ) hay ông, bà là người đại diện hợp pháp của cháu chưa thành niên (Trường hợp không có cha mẹ và không có anh, chị, em đã thành niên).

  • Người đại diện theo ủy quyền là người được cá nhân hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân ủy quyền thay mặt mình tham gia tố tụng theo quy định tại Điều 138 Bộ luật dân sự 2015.

Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ thì cha, mẹ, người thân thích của họ là người đại diện.

Quyền, nghĩa vụ của người đại diện được quy định tại Điều 86 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 như sau:

  • Người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự trong phạm vi mà mình đại diện.
  • Người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự theo nội dung văn bản ủy quyền.

3.3. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự

Khác với tố tụng hình sự, pháp luật về tố tụng dân sự không có khái niệm về người bào chữa trong tố tụng dân sự, bởi lẽ các đương sự trong mọi vụ việc dân sự đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ, không có ai bị buộc tội hay bị xem là có tội để phải bảo chữa, gỡ tội. Do đó, trong luật tố tụng dân sự sử dụng khái niệm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là người tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được tham gia tố tụng khi có yêu cầu của đương sự và được Tòa án làm thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều đương sự trong cùng một vụ án, nếu quyền và lợi ích hợp pháp của những người đó không đối lập nhau. Nhiều người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có thể cùng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của một đương sự trong vụ án.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có các quyền và nghĩa vụ cụ thể sau:

  • Tham gia tố tụng từ khi khởi kiện hoặc bất cứ giai đoạn nào trong quá trình tố tụng.
  • Thu thập và cung cấp tài liệu, chứng cứ; nghiên cứu hồ sơ vụ án và được ghi chép, sao chụp những tài liệu cần thiết có trong hồ sơ vụ án để thực hiện việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự.
  • Tham gia việc hòa giải, phiên họp, phiên tòa hoặc trường hợp không tham gia thì được gửi văn bản bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự cho Tòa xem xét.
  • Thay mặt đương sự yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng khác.
  • Giúp đương sự về mặt pháp lý liên quan đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ…

(Điều 76 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015)

3.4. Người làm chứng

Người biết các tình tiết có liên quan đến nội dung vụ việc được đương sự đề nghị, Tòa án triệu tập tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng. Người mất năng lực hành vi dân sự không thể là người làm chứng.

Người làm chứng có các quyền và nghĩa vụ cụ thể sau:

  • Cung cấp toàn bộ thông tin, tài liệu, đồ vật mà mình có được có liên quan đến việc giải quyết vụ việc.
  • Khai báo trung thực những tình tiết mà mình biết được có liên quan đến việc giải quyết vụ việc.
  • Được từ chối khai báo nếu lời khai của mình liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình hoặc việc khai báo đó có ảnh hưởng xấu, bất lợi cho đương sự là người có quan hệ thân thích với mình.
  • Được nghỉ việc trong thời gian Tòa án triệu tập hoặc lấy lời khai, nếu làm việc trong cơ quan, tổ chức.
  • Được thanh toán các khoản chi phí có liên quan.
  • Yêu cầu Tòa án đã triệu tập, cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình khi tham gia tố tụng; khiếu nại hành vi tố tụng của người tiến hành tố tụng.
  • Bồi thường thiệt hại và chịu trách nhiệm trước pháp luật do khai báo sai sự thật.
  • Phải có mặt tại Tòa án, phiên tòa, phiên họp theo giấy triệu tập của Tòa án nếu việc lấy lời khai của người làm chứng phải thực hiện công khai tại Tòa án, phiên tòa, phiên họp; trường hợp người làm chứng không đến phiên tòa, phiên họp mà không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ cản trở việc xét xử, giải quyết thì có thể bị quyết định dẫn đến phiên tòa, phiên họp, trừ trường hợp người làm chứng chưa thành niên.
  • Cam đoan trước Tòa án về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình, trừ trường hợp người làm chứng chưa thành niên.

(Điều 78 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015)

Luật sư Mai Văn Xuân - Luật sư hơn 10 năm kinh nghiệm tố tụng dân sự tại Hà Nội
Luật sư Mai Văn Xuân – Luật sư hơn 10 năm kinh nghiệm tố tụng dân sự tại Hà Nội

3.5. Người giám định

Người giám định là người có kiến thức, kinh nghiệm cần thiết theo quy định của pháp luật về lĩnh vực có đối tượng cần giám định mà Tòa án trưng cầu giám định hoặc được đương sự yêu cầu giám định theo quy định tại Điều 102 của Bộ luật này.

Người giám định có các quyền và nghĩa vụ cụ thể sau:

  • Được đọc tài liệu có trong hồ sơ vụ án liên quan đến đối tượng giám định; yêu cầu Tòa án cung cấp tài liệu cần thiết cho việc giám định.
  • Đặt câu hỏi đối với người tham gia tố tụng về những vấn đề có liên quan đến đối tượng giám định.
  • Phải có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án; trình bày, giải thích, trả lời những vấn đề liên quan đến việc giám định một cách trung thực, có căn cứ, khách quan.
  • Phải thông báo bằng văn bản cho Tòa án về việc không thể giám định được do việc cần giám định vượt quá khả năng chuyên môn, tài liệu cung cấp phục vụ cho việc giám định không đủ hoặc không sử dụng được.
  • Phải bảo quản tài liệu đã nhận và gửi trả lại Tòa án cùng với kết luận giám định hoặc cùng với thông báo về việc không thể giám định được.
  • Không được tự mình thu thập tài liệu để tiến hành giám định, tiếp xúc với người tham gia tố tụng khác nếu việc tiếp xúc đó làm ảnh hưởng đến kết quả giám định; không được tiết lộ bí mật thông tin mà mình biết khi tiến hành giám định hoặc thông báo kết quả giám định cho người khác.
  • Được thanh toán các chi phí có liên quan theo quy định.
  • Cam đoan trước Tòa án về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.

(Điều 80 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015)

3.6. Người phiên dịch

Người phiên dịch là người có khả năng dịch từ một ngôn ngữ khác ra tiếng Việt và ngược lại trong trường hợp có người tham gia tố tụng không sử dụng được tiếng Việt. Người phiên dịch được một bên đương sự lựa chọn hoặc các bên đương sự thỏa thuận lựa chọn và được Tòa án chấp nhận hoặc được Tòa án yêu cầu để phiên dịch.

Người biết chữ của người khuyết tật nhìn hoặc biết nghe, nói bằng ngôn ngữ, ký hiệu của người khuyết tật nghe, nói cũng được coi là người phiên dịch. Trường hợp chỉ có người đại diện hoặc người thân thích của người khuyết tật nhìn hoặc người khuyết tật nghe, nói biết được chữ, ngôn ngữ, ký hiệu của người khuyết tật thì người đại diện hoặc người thân thích có thể được Tòa án chấp nhận làm người phiên dịch cho người khuyết tật đó.

Người phiên dịch có các quyền và nghĩa vụ cụ thể sau:

  • Phải có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án.
  • Phải phiên dịch trung thực, khách quan, đúng nghĩa.
  • Đề nghị người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng giải thích thêm nội dung cần phiên dịch.
  • Không được tiếp xúc với người tham gia tố tụng khác nếu việc tiếp xúc đó làm ảnh hưởng đến tính trung thực, khách quan, đúng nghĩa khi phiên dịch.
  • Được thanh toán các chi phí có liên quan theo quy định.
  • Cam đoan trước Tòa án về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.

(Điều 82 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015)

Mời bạn tìm hiểu thêm những thông tin hữu ích về Tố tụng dân sự được chia sẻ bởi đội ngũ chuyên gia tại META Law Firm:

Luật sư Mai Văn Xuân tư vấn pháp lý tại văn phòng Công ty Luật TNHH META LAW
Luật sư Mai Văn Xuân tư vấn pháp lý tại văn phòng Công ty Luật TNHH META LAW

Bài viết trên đây đã cung cấp những nội dung cơ bản về các chủ thể tham gia tố tụng dân sự theo pháp luật Việt Nam hiện nay. Việc hiểu rõ vị trí, vai trò của các chủ thể này không chỉ giúp các bên nắm vững quy trình pháp lý mà còn là cơ sở giúp họ chủ động hơn trong việc thu thập chứng cứ, trình bày lập luận và bảo vệ quyền lợi của mình một cách hiệu quả. Nếu không xác định đúng tư cách pháp lý của các chủ thể tham gia tố tụng, quá trình giải quyết tranh chấp có thể bị kéo dài, thậm chí dẫn đến đình chỉ vụ án, gây lãng phí thời gian và nguồn lực. Vì vậy, nếu bạn còn điều gì thắc mắc hay cần giải đáp về các chủ thể tham gia tố tụng dân sự, đừng ngần ngại liên hệ với META Law qua Hotline 0869.898.809 hoặc đến trực tiếp địa chỉ văn phòng luật sư tại số 137 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội. Với đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm và chuyên môn trong lĩnh vực tố tụng dân sự, Công ty Luật TNHH META LAW cam kết tư vấn, hỗ trợ bạn giải quyết vấn đề một cách hiệu quả!

Công ty Luật TNHH META LAW

META LAW SẴN SÀNG TƯ VẤN

Nếu bạn đang cần tư vấn pháp lý, hãy đặt câu hỏi. META LAW luôn sẵn sàng tư vấn và sẽ gọi lại cho bạn sau ít phút...





    Chia sẻ bài viết:  
    5/5 - (1 bình chọn)