Chứng cứ trong Tố tụng dân sự được thu thập từ những nguồn nào?

Trong cuộc sống pháp lý hiện nay, nổi bật là lĩnh vực tố tụng dân sự, thì việc giải quyết tranh chấp giữa các bên không chỉ dựa trên lời nói mà còn cần đến những bằng chứng xác thực. “Chứng cứ” là nguồn chứa những thông tin then chốt, làm nền tảng vững chắc để Tòa án xây dựng bức tranh toàn cảnh về vụ việc, qua đó làm cơ sở để Tòa án đưa ra phán quyết công bằng, khách quan. Thiếu vắng chứng cứ, công lý có nguy cơ bị che mờ, lẽ phải khó lòng được bảo vệ. Vậy, chứng cứ trong Tố tụng dân sự là gì? Chúng bao gồm những loại nào và nguồn chứng cứ trong tố tụng dân sự được thu thập từ đâu?

1. Chứng cứ là gì? Cơ sở pháp lý của chứng cứ trong Tố tụng dân sự?

Theo Điều 93 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về chứng cứ: “Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.”

Như vậy,  khái niệm chứng cứ bạn đọc có thể hiểu:

– Phải là những gì có thật;

– Do các đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục.

– Được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án, xác định yêu cầu hay sự phản đối của các đương sự.

Chứng cứ là những thông tin, tài liệu có liên quan đến vụ việc, mang tính khách quan, không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của con người,  thông qua việc phân tích và đánh giá chứng cứ làm căn cứ giải quyết vụ việc dân sự.

Chứng cứ là gì? Nguồn chứng cứ trong tố tụng dân sự
Chứng cứ là gì? Nguồn chứng cứ trong tố tụng dân sự

2. Ý nghĩa và thuộc tính của chứng cứ trong tố tụng dân sự

2.1. Ý nghĩa của Chứng cứ trong Tố tụng dân sự

Chứng cứ trong Tố tụng dân sự có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với kết quả giải quyết tranh chấp của Tòa án, bởi lẽ chứng cứ là phương tiện duy nhất để chứng minh sự thật, Tòa sẽ căn cứ vào đó để làm rõ những tình tiết liên quan đến vụ việc,qua đó giải quyết vụ việc một cách khách quan, công bằng, thể hiện việc công lý thực thi đúng đắn, quyền và lợi ích hợp pháp của người yêu cầu bảo vệ chính đáng, kịp thời.

2.2. Các thuộc tính của chứng cứ trong Tố tụng dân sự

Chứng cứ có 3 thuộc tính cơ bản gồm: Tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp. Ba thuộc tính trên có mối quan hệ thống nhất với nhau, tạo nên mặt nội dung và hình thức của chứng cứ.

  • Tính khách quan: Chứng cứ tồn tại khách quan trong cuộc sống, không phụ thuộc vào ý chí con người, không bị xuyên tạc, hư cấu hoặc bị sửa chữa theo ý muốn của ai đó.
  • Tính liên quan: Giữa chứng cứ và các tình tiết của vụ việc dân sự phải liên quan đến nhau. Căn cứ vào chứng cứ, Tòa án sẽ có những quyết định/bản án nhằm giải quyết vụ việc dân sự.
  • Tính hợp pháp: chứng cứ phải được thu thập từ những nguồn do pháp luật quy định; quá trình nghiên cứu, đánh giá và sử dụng chứng cứ phải được tiến hành theo quy định pháp luật.

3. Các loại chứng cứ trong tố tụng dân sự

Việc phân loại chứng cứ trong tố tụng dân sự sẽ giúp cho việc nghiên cứu, đánh giá, sử dụng chứng cứ được hiệu quả. Có nhiều cách để phân loại chứng cứ:

  • Căn cứ vào mức độ liên quan của chứng cứ trong vụ việc dân sự, ta có: chứng cứ trực tiếp và chứng cứ gián tiếp.
  • Dựa vào cách thức tạo ra chứng cứ, ta chia thành: chứng cứ gốc và chứng cứ sao lại/thuật lại.
  • Dựa vào hình thức thể hiện, ta chia thành: chứng cứ viết và chứng cứ miệng.
Các loại chứng cứ trong tố tụng dân sự
Các loại chứng cứ trong tố tụng dân sự

4. Nguồn chứng cứ trong tố tụng dân sự

Nguồn chứng cứ trong tố tụng dân sự là nơi chứng cứ được rút ra, việc xác định nguồn chứng cứ nhằm xác định giá trị chứng minh của từng loại chứng cứ.

Theo Điều 94 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định về Nguồn chứng cứ, chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây:

4.1. Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử

Đây là các tài liệu thể hiện dưới dạng giấy tờ, văn bản, hợp đồng, email, hình ảnh, tin nhắn, âm thanh, dữ liệu số,… Ví dụ:

  • Hợp đồng mua bán để chứng minh quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ tranh chấp về mua bán.
  • Đoạn ghi âm cuộc gọi, tin nhắn trao đổi thể hiện sự thỏa thuận giữa các đương sự

– Theo Khoản 1, 2, 3 Điều 95 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, quy định:

  • Tài liệu đọc được nội dung được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận.
  • Tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ của tài liệu nếu họ tự thu âm, thu hình hoặc văn bản có xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó.
  • Thông điệp dữ liệu điện tử được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
Công bố chứng cứ tại tòa án
Công bố chứng cứ là Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được

4.2. Vật chứng

Đây là các vật hữu hình có liên quan đến vụ việc, giúp xác định tình tiết vụ việc như tài sản tranh chấp, đất đai,… trong từng vụ việc cụ thể. Ví dụ:

  • Sản phẩm bị lỗi trong lô hàng hóa thuộc hợp đồng mua bán hàng hóa.
  • Chiếc ô tô bị hư hỏng trong vụ tranh chấp kiện đòi bồi thường tài sản.

– Theo Khoản 4 Điều 95 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, quy định: Vật chứng là chứng cứ phải là hiện vật gốc liên quan đến vụ việc.

4.3. Lời khai của đương sự

Là lời trình bày của các đương sự trong vụ án trong quá trình giải quyết vụ án. Lời khai phải trung thực và phù hợp với các nguồn chứng cứ khác. Nếu lời khai mâu thuận hoặc không có căn cứ thì Tòa án có thể không công nhận. Ví dụ:

  • Nguyên đơn khai rằng đã trả tiền hàng, Tòa án đối chiếu rằng có biên lai thanh toán, nhân chứng chứng minh nguyên đơn đã thanh toán tiền hàng.
  • Bị đơn khai đã thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng nhưng không có bằng chứng chứng minh, lời khai của bị đơn vô giá trị.

4.4. Lời khai của người làm chứng

Llời khai của người làm chứng phải khách quan, trung thực, chứng kiến vụ việc xảy ra. Ví dụ:

  • Người dân xung quanh chứng kiến vụ tai nạn giao thông, giúp nguyên đơn xác định lỗi của bị đơn và yêu cầu bị đơn bồi thường thiệt hại.

– Theo Khoản 5 Điều 95 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, quy định: Lời khai của đương sự, lời khai của người làm chứng được coi là chứng cứ nếu được ghi bằng văn bản, băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình, thiết bị khác chứa âm thanh, hình ảnh theo quy định tại khoản 2 Điều này hoặc khai bằng lời tại phiên tòa.

4.5. Kết luận giám định

Là kết luận từ cơ quan tổ chức giám định chuyên môn có thẩm quyền như giám định chữ ký, pháp y,… Ví dụ:

  • Giám định chữ ký để xác minh hợp đồng có bị giả mạo chữ ký không.
  • Giám định ADN để xác định huyết thống nhằm giải quyết tranh chấp về thừa kế, quan hệ cha mẹ con,…

– Theo Khoản 6 Điều 95 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, quy định: Kết luận giám định được coi là chứng cứ nếu việc giám định đó được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.

4.6. Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ

Là Biên bản ghi nhận hiện trạng và các thông tin liên quan đến đối tượng tranh chấp. Ví dụ:

  • UBND xã xác định và lập biên bản kiểm tra hiện trạng đất đai trong vụ án tranh chấp đất đai.
  • Biên bản đo nồng độ còn của công an giao thông nhằm xác định lỗi của các bên trong vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại do tai nạn giao thông.

– Theo Khoản 7 Điều 95 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, quy định: Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ được coi là chứng cứ nếu việc thẩm định được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.

4.7. Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản

Do cơ quan hoặc tổ chức chuyện môn thực hiện nhằm xác định giá trị tài sản của một vụ tranh chấp. Ví dụ:

  • Tòa án lập hội đồng định giá tài sản để định giá căn nhà nhằm chia tài sản của cặp vợ chồng trong vụ án ly hôn.
  • Tòa án chỉ định 1 tổ chức thẩm định giá để xác định giá trị thiệt hại thực tế do hàng hóa hư hỏng, làm căn cứ xem xét mức bồi thường cho các đương sự.

– Theo Khoản 8 Điều 95 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, quy định: Kết quả định giá tài sản, kết quả thẩm định giá tài sản được coi là chứng cứ nếu việc định giá, thẩm định giá được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.

4.8. Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập

Thường là các Vi bằng, biên bản vi phạm hành chính,…

  • Văn phòng Thừa phát lại lập vi bằng đất đai nhằm xác định tình trạng nhà đất, làm chứng cứ trong vụ tranh chấp đất đai.

– Theo Khoản 9 Điều 95 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, quy định: Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập tại chỗ được coi là chứng cứ nếu việc lập văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.

4.9. Văn bản công chứng, chứng thực

là văn bản được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác nhận dựa vào văn bản gốc hoặc chứng nhận một hành vi pháp lý. Ví dụ:

  • Văn phòng công chứng chứng thực các bên đồng ý ký vào thỏa thuận phân chia tài sản.
  • UBND cấp xã công chứng giấy tờ tùy thân như: bản sao CCCD, giấy khai sinh,…

– Theo Khoản 10 Điều 95 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, quy định: Văn bản công chứng, chứng thực được coi là chứng cứ nếu việc công chứng, chứng thực được thực hiện theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.

4.10. Các nguồn khác mà pháp luật có quy định

Ví dụ: Phong tục chia tài sản thừa kế theo dòng họ ở các vùng dân tốc thiểu số; Nghĩa vụ cấp dưỡng thuộc tập quán của gia đình khi gia đình không có thỏa thuận rõ ràng;… Theo Khoản 11 Điều 95 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, quy định: “Các nguồn khác mà pháp luật có quy định được xác định là chứng cứ theo điều kiện, thủ tục mà pháp luật quy định.

Luật tố tụng dân sự đã có những quy định rõ ràng về các nguồn chứng cứ (Điều 94 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015). Ngoài ra, Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự cũng có quy định trình tự, thủ tục thu thập chứng cứ được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết của vụ án cũng như xác định yêu cầu của các đương sự

5. Chứng cứ điện tử trong tố tụng dân sự

5.1. Khái niệm chứng cứ điện tử trong tố tụng dân sự

Chứng cứ điện tử đóng vai trò ngày càng quan trọng trong tố tụng dân sự, đặc biệt trong các vụ án liên quan đến thương mại,hợp đồng và vấn đề tài chính. Tuy nhiên, để chứng cứ điện tử có giá trị pháp lý, cần đảm bảo phải được thu thập hợp pháp, xác thực nguồn gốc và bảo quản đúng cách. Hiện nay, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 không sử dụng thuật ngữ “chứng cứ điện tử” mà chỉ có những quy định về nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử. Vì vậy, chưa có một khái niệm pháp luật nào về chứng cứ điện tử. Theo Khoản 1 Điều 94 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015: tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử là một trong những nguồn chứng cứ trong tố tụng dân sự.

Vậy chứng cứ điện tử trong tố tụng dân sự được hiểu là những dữ liệu điện tử được thu thập, bảo quản và sử dụng để chứng minh các sự kiện, hành vi trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự. Loại chứng cứ này có thể tồn tại dưới dạng văn bản, âm thanh, hình ảnh hoặc dữ liệu số được lưu trên các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại di động, máy ảnh số, mạng internet,…

5.2. Các loại chứng cứ điện tử

Theo Khoản 3 Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định như sau:

“3. Thông điệp dữ liệu điện tử được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.”

Vậy, dữ liệu điện tử được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: các văn bản điện tử như thư điện tử (mail), điện tín, điện báo, fax, âm thanh, hình ảnh, video,…

– Văn bản điện tử: Gồm những hợp đồng, email, tin nhắn điện thoại, trao đổi qua mạng xã hội, các tài liệu số, hợp đồng điện tử có giá trị pháp lý,… Ví dụ:

  • Email trao đổi về hợp đồng giữa hai bên có thể làm chứng cứ khi có tranh chấp hợp đồng thương mại.
  • Tin nhắn Zalo thể hiện thỏa thuận vay tiền giữa hai bên trong vụ kiện đòi nợ.

– Âm thanh, hình ảnh, video điện tử: Có thể gồm bản ghi âm cuộc gọi, ghi âm thỏa thuận giữa các bên; video của camera giám sát, livestream trên các trang mạng xã hội; … Ví dụ:

  • Camera an ninh ghi lại cảnh hai bên tranh chấp tài sản, video từ camera đó có thể trở thành chứng cứ điện tử trong một vụ kiện dân sự.

– Dữ liệu hệ thống và nhật ký điện tử: Nhật ký đăng nhập, lịch sử giao dịch từ hệ thống máy tính, phần mềm quản lý, Tài liệu từ hệ thống ngân hàng, sàn giao dịch điện tử.,…Ví dụ:

  • Lịch sử giao dịch ngân hàng thể hiện bị đơn đã nhận tiền từ nguyên đơn.
  • Nhật ký truy cập hệ thống thể hiện một bên đã chỉnh sửa hợp đồng điện tử trước khi xảy ra tranh chấp.

Dữ liệu điện tử chính là nguồn để thu thập chứng cứ điện tử. Do vậy, dữ liệu điện tử muốn trở thành chứng cứ cũng cần bảo đảm các thuộc tính của chứng cứ là tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp. Đáp ứng các yêu cầu về thuộc tính thì dữ liệu điện tử mới được xem là chứng cứ. Bên cạnh đó, dữ liệu điện tử cũng cần phải được thu thập, sử dụng, ghi nhận và bảo quản theo đúng quy định của pháp luật, trở thành chứng cứ điện tử có giá trị và được sử dụng trong quá trình tố tụng dân sự.

Mời bạn đọc cùng xem thêm những thông tin hữu ích được chia sẻ từ chuyên gia tại META Law Firm:

Chứng cứ chính là mắt xích quan trọng trong công cuộc gỡ rối “tranh chấp”. Để những vụ việc dân sự được giải quyết công bằng, công minh, khách quan, đúng pháp luật thì không thể thiếu đi những bằng chứng xác thực. Để có những chứng cứ chính xác  làm căn cứ giải quyết vụ việc dân sự thì những chứng cứ đó phải được rút ra từ những nguồn chứng cứ theo đúng quy định của pháp luật. Nguồn chứng cứ trong Tố tụng dân sự được quy định rất rõ ràng và đầy đủ trong Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015. Tòa án sẽ căn cứ vào những quy định đó để xác định chứng cứ đó có đủ điều kiện làm cơ sở giải quyết vụ việc hay không, từ đó Tòa sẽ ban hành những quyết định hoặc bản án hợp pháp và hợp lý.

Công ty Luật TNHH META LAW

META LAW SẴN SÀNG TƯ VẤN

Nếu bạn đang cần tư vấn pháp lý, hãy đặt câu hỏi. META LAW luôn sẵn sàng tư vấn và sẽ gọi lại cho bạn sau ít phút...





    Chia sẻ bài viết:  
    5/5 - (2 bình chọn)