Thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự
Thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự được áp dụng để tiết kiệm thời gian trong việc thực hiện các vụ việc. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu rõ về nó và cách áp dụng thủ tục này. Hãy cùng META Law Firm tìm hiểu rõ hơn thông qua bài viết dưới đây để có thể giải quyết vụ án nhanh chóng vẫn bảo đảm đúng pháp luật.
Nội dung chính:
1. Khái niệm và ý nghĩa của thủ tục rút gọn
Khái niệm và ý nghĩa của thủ tục rút gọn theo Điều 316 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì “Thủ tục rút gọn là thủ tục tố tụng được áp dụng để giải quyết vụ án dân sự có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật với trình tự đơn giản so với thủ tục giải quyết các vụ án dân sự thông thường nhằm giải quyết vụ án nhanh chóng nhưng vẫn đảm bảo đúng pháp luật”.
Thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự được tòa án sử dụng để giải quyết các vấn đề, vụ án liên quan đến dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động. Vì được rút ngắn thời gian thực hiện nên các đương sự khi thực hiện thủ tục rút gọn sẽ được giải quyết vụ án nhanh chóng và khôi phục kịp thời quan hệ xã hội bị xâm phạm.
Nhà nước và đương sự tham gia sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí và nguồn nhân lực khi thực hiện thủ tục tố tụng dân sự rút gọn. Bên cạnh đó, Nhà nước sẽ có thêm nguồn lực để giải quyết các vụ án dân sự khó khăn, phức tạp. Thủ tục này cũng giúp cho tòa án có thêm thời gian để tập trung giải quyết các vụ án khác.

2. Những quy định của pháp luật về thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự
Thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự được hình thành trên cơ sở đơn giản hóa thủ tục tố tụng thông thường nhằm giải quyết một số loại vụ việc cụ thể nhanh gọn, hiệu quả và có những đặc điểm sau đây:
2.1. Phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn
Căn cứ Điều 316 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn như sau:
“Thủ tục rút gọn là thủ tục tố tụng được áp dụng để giải quyết vụ án dân sự có đủ điều kiện theo quy định Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 với trình tự đơn giản so với thủ tục giải quyết các vụ án dân sự thông thường nhằm giải quyết vụ án nhanh chóng nhưng vẫn bảo đảm đúng pháp luật.”
Như vậy, mục đích của việc áp dụng thủ tục rút gọn là để giải quyết vụ án dân sự với trình tự, thủ tục đơn giản so với thủ tục giải quyết các vụ án dân sự thông thường, nhằm giải quyết vụ án nhanh chóng nhưng vẫn bảo đảm đúng pháp luật.
2.2. Điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn
Thủ tục rút gọn không áp dụng để giải quyết việc dân sự chỉ áp dụng để giải quyết vụ án dân sự khi có đầy đủ ba điều kiện theo quy định. Tại Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn như sau:
+ Vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ; tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ;
+ Các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng;
+ Không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn hoặc các đương sự đã xuất trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận thống nhất về việc xử lý tài sản.
Với quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì thủ tục rút gọn được áp dụng ngay cả tranh chấp có giá trị lớn. Hay nói cách khác, tiêu chí này không phân biệt giá trị tranh chấp. Đây là một điều hết sức hợp lý bởi giá trị tranh chấp mặc dù lớn hay nhỏ nhưng tính chất đơn giản, đương sự thừa nhận sự việc thì vẫn xét xử theo thủ tục rút gọn, không nên kéo dài việc giải quyết vụ án.
2.3. Về thành phần, trình tự giải quyết
Việc giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn được thực hiện ở cấp sơ thẩm và phúc thẩm; Thành phần Hội đồng xét xử sở thẩm và phúc thẩm chỉ do một thẩm phán tiến hành (Điều 65); tại cấp sơ thẩm, việc xét xử vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn không có Hội thẩm nhân dân tham gia (Điều 11).
Trình tự thủ tục rút gọn được quy định tại Phần thứ tư Bộ luật tố tụng dân sự từ Điều 316 đến Điều 324; trường hợp không có quy định thì áp dụng những quy định khác của Bộ luật tố tụng dân sự để giải quyết vụ án.
2.4. Về thời hạn giải quyết
Bên cạnh các điều kiện nhằm giải quyết vụ án nhanh chóng thì việc quy định thời hạn ngắn nhất để giải quyết vụ án là điều không thể thiếu. Pháp luật quy định trong thời gian 01 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án sơ thẩm, thẩm phán phải ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử (Điều 318 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015). Ở giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm thời hạn này cũng là 01 tháng (Điều 323 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015). Như vậy, thời hạn chuẩn bị xét xử ở cả giai đoạn sơ thẩm và phúc thẩm chỉ là 02 tháng, giảm 04 tháng so với thủ tục thông thường.
Chỉ khi xuất hiện tình tiết mới hoặc cần phải tiến hành giám định; cần phải định giá, thẩm định giá tài sản tranh chấp mà các đương sự không thống nhất về giá; cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; phát sinh người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; phát sinh yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập; phát sinh đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, yêu cầu xác minh, thu thập chứng cứ ở nước ngoài mà cần phải thực hiện ủy thác tư pháp, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 317 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì vụ án mới chuyển sang giải quyết theo thủ tục thông thường.
2.5. Về hiệu lực của bản án, quyết định theo thủ tục rút gọn
Điều 321 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định, bản án quyết định sơ thẩm của Tòa án theo thủ tục rút gọn có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm rút gọn. Bản án, quyết định theo thủ tục rút gọn cũng có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
Khác với tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định vụ án được xét xử rút gọn ở cả giai đoạn phúc thẩm, đây là điểm tiến bộ và cần thiết bởi vì nếu vụ án được xét xử nhanh chóng ở giai đoạn sơ thẩm nhưng đến giai đoạn xét xử phúc thẩm lại bị kéo dài, điều đó sẽ làm mất đi ý nghĩa của việc rút gọn.
2.6. Về mức án phí
Theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị quyết số 326/2016/UBTTQH14, ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa 14 quy định: “đối với vụ án giải quyết tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và vụ án hành chính được giải quyết theo thủ tục rút gọn thì mức án phí bằng 50% mức án phí quy định tại mục A Danh mục án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết này”.
Đây là quy định hợp lý vì những vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn là những vụ án đơn giản, cần xét xử nhanh nên các chi phí đi lại, thuê luật sư, thu thập chứng cứ đều ở mức thấp. Tòa án cũng không phải tiến hành nhiều thủ tục tố tụng mà gần như chỉ căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ đương sự cung cấp; không phát sinh chi phí giám định, định giá, thu thập chứng cứ.
2.6. Hiệu lực của bản án, quyết định theo thủ tục rút gọn
Căn cứ Điều 321 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về hiệu lực của bản án, quyết định theo thủ tục rút gọn như sau:
– Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án theo thủ tục rút gọn có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm rút gọn.
– Bản án, quyết định theo thủ tục rút gọn có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

3. So sánh thủ tục rút gọn và thủ tục thông thường trong tố tụng dân sự
Thủ tục rút gọn và thủ tục thông thường trong tố tụng dân sự là hai phương thức khác nhau để giải quyết vụ án. Vậy cùng xem xét cụ thể thủ tục tố tụng rút gọn khác gì so với thủ tục tố tung thông thường.
Tiêu chí | Thủ tục rút gọn | Thủ tục thông thường |
Điều kiện áp dụng | – Vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng. – Các đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ, không có tranh chấp về pháp lý phức tạp. | – Áp dụng cho tất cả các vụ án dân sự thông thường không đủ điều kiện xét xử theo thủ tục rút gọn. |
Thẩm quyền giải quyết | – Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án xét xử sơ thẩm. | – Hội đồng xét xử gồm một thẩm phán hoặc một hội đồng xét xử có cả thẩm phán và hội thẩm nhân dân. |
Trình tự giải quyết | – Không phải tiến hành hòa giải. – Không mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận chứng cứ. – Xét xử nhanh chóng, có thể không cần mở phiên tòa nếu đương sự không yêu cầu. | – Tiến hành đầy đủ các bước: hòa giải, thu thập chứng cứ, mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, phúc thẩm nếu có kháng cáo. |
Thời gian giải quyết | – Tối đa 01 tháng từ ngày thụ lý vụ án. | – Thông thường kéo dài từ 4-6 tháng ở cấp sơ thẩm, có thể lâu hơn nếu phức tạp hoặc có kháng cáo. |
Ưu điểm | – Nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và chi phí tố tụng. – Giảm tải công việc cho tòa án. | – Đảm bảo xét xử toàn diện, đầy đủ quyền lợi của các bên. – Thích hợp với các vụ án phức tạp, cần điều tra sâu. |
Nhược điểm | – Chỉ áp dụng cho các vụ án đơn giản, ít tranh chấp. – Đương sự không có quyền kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm. | – Thời gian giải quyết kéo dài, tốn kém hơn. |
4. Thực tiễn áp dụng thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự
Theo số liệu thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, tại báo cáo tổng kết thực tiễn 10 năm thi hành Bộ luật tố tụng dân sự thì tính trung bình mỗi năm các Tòa án nhân dân đã giải quyết trên 150.000 vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình; trên 2.500 vụ việc về kinh doanh, thương mại; trên 2.000 vụ việc về lao động; tỷ lệ các vụ việc mà Tòa án phải giải quyết hàng năm tăng khoảng 15%; các vụ việc về kinh doanh, thương mại và lao động có tỷ lệ tăng cao hơn so với các vụ việc dân sự khác.
Từ đó ta thấy, số lượng các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại và lao động mà Toà án nhân dân cấp sơ thẩm thụ lý và giải quyết là rất lớn (chiếm hơn 90% số lượng án giải quyết). Trong tổng số các vụ án mà toàn ngành Toà án thụ lý, giải quyết nêu trên có không ít những vụ án có chứng cứ rõ ràng, nội dung tranh chấp đơn giản, bị đơn thừa nhận hoặc không phản đối yêu cầu của nguyên đơn, vụ án có giá ngạch thấp nhưng vẫn phải giải quyết theo trình tự thủ tục tố tụng thông thường gây mất thời gian, tiền bạc, công sức của cơ quan tố tụng và các đương sự.
Hơn nữa, có rất nhiều các vụ án bị đơn cố tình không thực hiện nghĩa vụ, lạm dụng quyền kháng cáo để kéo dài thời gian giải quyết vụ án góp phần làm cho tình trạng án tồn đọng kéo dài và gây sức ép không nhỏ cho cán bộ nhất là các Thẩm phán đã giải quyết vụ án.
Do đó, việc áp dụng thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự là một bước chuyển biến mang tính cải cách quan trọng trong quá trình đổi mới thủ tục tố tụng dân sự ở nước ta. Tuy nhiên, các quy định về thủ tục tố tụng rút gọn mới chỉ mới được đưa vào Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, trong khi việc giải quyết các vụ án xảy ra trên thực tế không phải lúc nào cũng có thể dễ dàng để áp dụng thủ tục này.
Bạn đọc cùng quan tâm:
5. Kết luận
Thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự là một cơ chế bảo đảm để người dân có quyền tiếp cận công lý một cách nhanh chóng và là cơ sở để cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết kịp thời nhiều vụ án. Hãy tận dụng những ưu điểm của quy tắc này để tiết kiệm được thời gian, tiền bạc, công sức mà vẫn đảm bảo tính hợp pháp.

META LAW SẴN SÀNG TƯ VẤN
Nếu bạn đang cần tư vấn pháp lý, hãy đặt câu hỏi. META LAW luôn sẵn sàng tư vấn và sẽ gọi lại cho bạn sau ít phút...