Mẫu đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai mới nhất 2025
Tranh chấp đất đai là một trong những tranh chấp phổ biến và phức tạp nhất hiện nay, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của nhiều cá nhân, tổ chức. Để được cơ quan chức năng xem xét và giải quyết vụ việc nhanh chóng, một lá đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai đúng quy định và đầy đủ thông tin là vô cùng quan trọng. Vậy làm thế nào để soạn thảo đơn đề nghị được chính xác, thuyết phục và đúng pháp luật? Bài viết này của Luật sư Mai Văn Xuân sẽ giúp bạn nắm rõ từng bước, hướng dẫn tham khảo mẫu để soạn thảo một lá đơn đầy đủ, chặt chẽ và hợp pháp để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp.
Nội dung chính:
- 1. Khái niệm và nguyên nhân dẫn đến tranh chấp đất đai
- 2. Đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai là gì?
- 3. Vai trò của đơn đề nghị trong quá trình giải quyết tranh chấp đất đai
- 4. Quy trình xử lý đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai
- 5. Hướng dẫn viết đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai
- 6. Mẫu đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai
1. Khái niệm và nguyên nhân dẫn đến tranh chấp đất đai
Theo quy định pháp luật hiện hành, Tranh chấp đất đai được hiểu là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai. Hiểu một cách đơn giản, tranh chấp đất đai là những mâu thuẫn, xung đột về quyền sử dụng đất giữa các cá nhân, hộ gia đình, tổ chức với nhau hoặc với cơ quan nhà nước. Những tranh chấp này thường liên quan đến ranh giới, quyền sở hữu, quyền sử dụng, chuyển nhượng, thừa kế hoặc bồi thường đất đai.
Đất đai là nguồn tài nguyên có giá trị cao, không chỉ về mặt kinh tế mà còn về mặt pháp lý và xã hội. Chính vì vậy, quá trình sử dụng và quản lý đất đai rất dễ phát sinh mâu thuẫn, đặc biệt khi quyền lợi giữa các bên không được xác lập rõ ràng. Những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tranh chấp đất đai có thể bắt nguồn từ:
- Thứ nhất, quản lý đất đai còn lỏng lẻo. Công tác quản lý đất đai ở nhiều địa phương chưa thật sự chặt chẽ, hệ thống quản lý chưa hiện đại, thủ tục hành chính còn rườm rà, gây khó khăn trong việc xác định quyền sử dụng đất và giải quyết tranh chấp.
- Thứ hai, cán bộ quản lý chưa đủ năng lực. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đất đai ở một số nơi còn yếu về chuyên môn, thiếu kinh nghiệm xử lý tình huống, dẫn đến việc giải quyết tranh chấp chậm trễ, không hiệu quả, dễ làm mâu thuẫn leo thang.
- Thứ ba, công tác lãnh đạo, chỉ đạo còn nhiều hạn chế. Một số địa phương còn thiếu sự chỉ đạo quyết liệt, thiếu tầm nhìn dài hạn trong công tác quản lý đất đai, chỉ xử lý mang tính đối phó, tạm thời nên không giải quyết được tận gốc các tranh chấp phát sinh.
- Thứ tư, đường lối pháp luật về đất đai chưa thống nhất. Quy định pháp luật về đất đai còn nhiều điểm chưa đồng bộ, văn bản hướng dẫn đôi khi mâu thuẫn, chồng chéo khiến cán bộ và người dân lúng túng trong việc áp dụng và giải quyết tranh chấp.
- Thứ năm, mức độ hiểu biết pháp luật của người dân còn hạn chế. Do chưa được phổ biến đầy đủ quy định về pháp luật đất đai, nhiều người dân không hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình, dễ hiểu sai về quyền lợi dẫn đến tranh chấp không đáng có.
2. Đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai là gì?
Đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai là văn bản do cá nhân, hộ gia đình hoặc tổ chức lập ra nhằm gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để yêu cầu xem xét, giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất.
Nội dung của đơn phải thể hiện rõ thông tin người làm đơn, trình bày cụ thể vụ việc tranh chấp, nguyên nhân xảy ra tranh chấp, quá trình giải quyết (nếu có) và đề nghị cơ quan chức năng can thiệp, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Việc viết đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai là bước quan trọng và cần thiết khi các bên không thể tự thỏa thuận được với nhau, cần sự tham gia giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước pháp luật.
3. Vai trò của đơn đề nghị trong quá trình giải quyết tranh chấp đất đai
Đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai là một tài liệu quan trọng, là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền xem xét và tiến hành giải quyết tranh chấp theo đúng trình tự pháp luật. Vai trò của đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai được thể hiện qua các khía cạnh sau:
- Thứ nhất, bước khởi đầu trong thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai. Đơn đề nghị là bước đầu tiên để yêu cầu cơ quan có thẩm quyền (như UBND các cấp hoặc Tòa án) xem xét, can thiệp và giải quyết tranh chấp đất đai. Đây là cơ sở pháp lý để cơ quan có thẩm quyền bắt đầu các thủ tục giải quyết.
- Thứ hai, cung cấp thông tin cơ bản và cần thiết về tranh chấp. Đơn đề nghị nêu rõ các thông tin liên quan đến tranh chấp như thông tin về diện tích đất, vị trí, người tranh chấp, lý do tranh chấp, và yêu cầu giải quyết của người gửi đơn. Thông qua đó, cơ quan chức năng có thể hiểu rõ bản chất của tranh chấp và có hướng giải quyết phù hợp.
- Thứ ba, giúp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên trong tranh chấp. Khi một bên gửi đơn đề nghị giải quyết tranh chấp, tức là họ thể hiện ý chí bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Đơn này là cơ sở pháp lý để yêu cầu cơ quan chức năng bảo vệ quyền lợi của người gửi đơn nếu tranh chấp đang xảy ra là hợp pháp.
- Thứ tư, là căn cứ để tiến hành các thủ tục hòa giải, điều tra. Cơ quan có thẩm quyền sẽ căn cứ vào đơn đề nghị giải quyết tranh chấp để tổ chức hòa giải, điều tra, hoặc xét xử nếu cần thiết. Đơn đề nghị là căn cứ để xác định các bước tiếp theo trong quá trình giải quyết tranh chấp.
- Thứ năm, đảm bảo tính minh bạch và đúng quy trình pháp lý. Việc gửi đơn đề nghị giúp đảm bảo rằng quá trình giải quyết tranh chấp diễn ra công khai, minh bạch, và tuân thủ đúng quy trình pháp luật.
4. Quy trình xử lý đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai
4.1. Thẩm quyền của UBND cấp xã
Bước 1: Nộp đơn đề nghị giải quyết
Người có đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai nộp đơn tại tại UBND cấp xã có thẩm quyền.
Bước 2: Kiểm tra và tiếp nhận hồ sơ
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn, Ủy ban nhân dân cấp xã phải thông báo bằng văn bản cho các bên tranh chấp đất đai và Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất tranh chấp về việc thụ lý đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai, trường hợp không thụ lý thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Bước 3: Giải quyết tranh chấp
- Thẩm tra, xác minh nguyên nhân phát sinh tranh chấp, thu thập giấy tờ, tài liệu có liên quan do các bên cung cấp về nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất và hiện trạng sử dụng đất.
- Thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai để thực hiện hòa giải. Tùy từng trường hợp cụ thể, có thể mời người đại diện cộng đồng dân cư; người có uy tín trong dòng họ ở nơi sinh sống, nơi làm việc; người có trình độ pháp lý, có kiến thức xã hội; già làng, chức sắc tôn giáo, người biết rõ vụ, việc, công chức Tư pháp – hộ tịch cấp xã; đại diện Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cấp xã; cá nhân, tổ chức khác có liên quan tham gia Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai.
- Tổ chức cuộc họp hòa giải có sự tham gia của các bên tranh chấp, thành viên Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Thời hạn, thời hiệu giải quyết
- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà các bên tranh chấp có ý kiến bằng văn bản khác với nội dung đã thống nhất trong biên bản hòa giải thành thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức lại cuộc họp Hội đồng hòa giải để xem xét, giải quyết đối với ý kiến bổ sung và phải lập biên bản hòa giải thành hoặc không thành.
- Trường hợp hòa giải không thành thì Ủy ban nhân dân cấp xã hướng dẫn các bên tranh chấp gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp tiếp theo.
4.2. Thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện
Bước 1: Nộp đơn đề nghị giải quyết
Người có đơn yêu cầu giải quyết nộp đơn tại tại UBND cấp huyện có thẩm quyền.
Bước 2: Kiểm tra và tiếp nhận hồ sơ
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn phải thông báo bằng văn bản cho các bên tranh chấp đất đai và Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp về việc thụ lý đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai, trường hợp không thụ lý thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Bước 3: Giải quyết tranh chấp
- Chủ tịch UBND cấp huyện giao trách nhiệm cơ quan tham mưu giải quyết.
- Cơ quan tham mưu có nhiệm vụ thẩm tra, xác minh vụ việc, tổ chức hòa giải giữa các bên tranh chấp, tổ chức cuộc họp các ban, ngành có liên quan để tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai (nếu cần thiết) và hoàn chỉnh hồ sơ trình Chủ tịch UBND cùng cấp ban hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai.
- Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai hoặc quyết định công nhận hòa giải thành, gửi cho các bên tranh chấp, tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Thời hạn, thời hiệu giải quyết
- Thời hạn giải quyết: Không quá 45 ngày làm việc; không quá 55 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; trừ thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai.
- Thời hiệu giải quyết tranh chấp: Không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết tranh chấp đất đai lần đầu; riêng các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn thì không quá 45 ngày mà các bên hoặc một trong các bên tranh chấp không có đơn gửi người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lần hai thì quyết định giải quyết tranh chấp lần đầu có hiệu lực thi hành.
4.3. Thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh
Bước 1: Nộp đơn đề nghị giải quyết
Người có đơn yêu cầu giải quyết nộp đơn tại tại UBND cấp tỉnh có thẩm quyền.
Bước 2: Kiểm tra và tiếp nhận đơn
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn phải thông báo bằng văn bản cho các bên tranh chấp đất đai và Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp về việc thụ lý đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai, trường hợp không thụ lý thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Bước 3: Giải quyết tranh chấp
- Chủ tịch UBND cấp tỉnh giao trách nhiệm cho cơ quan tham mưu giải quyết.
- Cơ quan tham mưu có nhiệm vụ thẩm tra, xác minh vụ việc, tổ chức hòa giải giữa các bên tranh chấp, tổ chức cuộc họp các ban, ngành có liên quan để tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai (nếu cần thiết) và hoàn chỉnh hồ sơ trình Chủ tịch UBND cùng cấp ban hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai.
- Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai hoặc quyết định công nhận hòa giải thành, gửi cho các bên tranh chấp, tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Thời hạn, thời hiệu giải quyết:
- Thời hạn giải quyết: Không quá 60 ngày làm việc; không quá 70 ngày làm việc đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, trừ thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai.
- Thời hiệu giải quyết: Không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết tranh chấp lần đầu; riêng các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn thì không quá 45 ngày mà các bên hoặc một trong các bên tranh chấp không có đơn gửi người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lần hai thì quyết định giải quyết tranh chấp lần đầu có hiệu lực thi hành.
4.4. Thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi Trường
Bước 1: Nộp đơn đề nghị giải quyết
Người có đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp gửi đơn đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Bước 2: Kiểm tra và tiếp nhận đơn
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn phải thông báo bằng văn bản cho các bên tranh chấp đất đai và Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp về việc thụ lý đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai, trường hợp không thụ lý thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Bước 3: Giải quyết tranh chấp
- Phân công đơn vị có chức năng tham mưu giải quyết. Đơn vị được phân công giải quyết tiến hành thu thập, nghiên cứu hồ sơ; tổ chức hòa giải giữa các bên tranh chấp; trường hợp cần thiết trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định thành lập đoàn công tác để tiến hành thẩm tra, xác minh vụ việc tại địa phương; hoàn chỉnh hồ sơ trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai.
- Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quyết định giải quyết tranh chấp hoặc quyết định công nhận hòa giải thành và gửi cho các bên tranh chấp, tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Thời hạn, thời hiệu giải quyết:
Thời gian thực hiện thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường không quá 90 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
4.5. Thẩm quyền của Tòa án
Bước 1: Nộp đơn đề nghị giải quyết
Người khởi kiện gửi đơn khởi kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ mà mình hiện có đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án.
Bước 2: Kiểm tra và tiếp nhận đơn
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:
- Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
- Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn;
- Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
- Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Bước 3: Giải quyết tranh chấp
- Thụ lý vụ án: Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí.
- Tiến hành hòa giải: Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được quy định tại Điều 206 và Điều 207 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn.
- Chuẩn bị xét xử: Thời hạn chuẩn bị xét xử đối với các tranh chấp về dân sự và hôn nhân gia đình là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án. Đối với các tranh chấp về kinh doanh, thương mại và lao động thì thời hạn là 02 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án. Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 02 tháng đối với các vụ án về dân sự và hôn nhân gia đình và không quá 01 tháng đối với các vụ án về kinh doanh, thương mại và lao động.
- Đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm: Sau khi đã hòa giải không thành hoặc trừ một số vụ án dân sự mà Bộ luật Tố tụng dân sự quy định không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được (Điều 206 và Điều 207 BLTTDS 2015), Tòa án phải mở phiên tòa sơ thẩm để giải quyết vụ án một cách chính xác, khách quan và đúng pháp luật.
5. Hướng dẫn viết đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai
Viết đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai là bước quan trọng, khởi đầu quá trình giải quyết tranh chấp tại cơ quan có thẩm quyền. Đơn đề nghị cần phải trình bày rõ ràng, đầy đủ thông tin liên quan đến vụ tranh chấp, giúp cơ quan chức năng hiểu đúng bản chất vấn đề và tiến hành giải quyết một cách hiệu quả. Để giúp các bên liên quan có thể soạn thảo đơn một cách chính xác, dưới đây là hướng dẫn chi tiết về cách viết đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai, đảm bảo đầy đủ nội dung và tuân thủ đúng quy định pháp luật.
- Quốc hiệu, tiêu ngữ.
- Ngày, tháng, năm.
- Tiêu đề đơn đề nghị giải quyết tranh chấp.
- Ghi tên cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.
- Ghi rõ thông tin của người làm đơn: Họ tên, CCCD và nơi cấp, nơi thường trú, nơi ở hiện tại, số điện thoại liên lạc…
- Tóm tắt lại sự việc dẫn tới tranh chấp đất đai (Trình bày ngắn gọn nhưng đầy đủ nội dung liên quan đến sự việc tranh chấp bao gồm: nguồn gốc, căn cứ sử dụng đất, quá trình sử dụng và thực trạng sử dụng đất hiện tại; thời điểm, nguyên nhân phát sinh tranh chấp đất đai; diễn biến tranh chấp đất đai; quan điểm của các bên trong tranh chấp)
- Ghi rõ nội dung đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
- Tài liệu kèm theo: Các tài liệu kèm theo có thể là: Giấy tờ nhân thân của người làm đơn, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và các giấy tờ khác liên quan đến diện tích xảy ra tranh chấp.
- Ký và ghi rõ họ tên.
6. Mẫu đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai

Bạn đọc có thể tham khảo chi tiết Mẫu đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai mới nhất 2025 tại đây.
Bạn đọc cùng quan tâm những chia sẻ hữu ích khác liên quan đến vấn đề tranh chấp đất đai:
Trên đây là những thông tin về nội dung cơ bản của một đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai và mẫu đơn giúp bạn tham khảo, nắm rõ quy trình và cách soạn thảo đơn đúng quy định. Việc chuẩn bị một lá đơn đầy đủ, có căn cứ pháp lý sẽ giúp cơ quan chức năng xem xét và giải quyết tranh chấp nhanh chóng, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bạn. Nếu bạn còn thắc mắc hoặc cần hỗ trợ tư vấn chi tiết, đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi qua Hotline 0869.898.809 hoặc gửi email tới tuvanmeta@gmail.com. Đội ngũ luật sư tư vấn tranh chấp đất đai giàu kinh nghiệm tại META Law Firm sẽ đồng hành và giúp bạn giải quyết vụ việc một cách hiệu quả nhất!

META LAW SẴN SÀNG TƯ VẤN
Nếu bạn đang cần tư vấn pháp lý, hãy đặt câu hỏi. META LAW luôn sẵn sàng tư vấn và sẽ gọi lại cho bạn sau ít phút...