Ly Hôn Đơn Phương là gì? Thủ tục, Hồ sơ và Quy định mới 2025
Ly hôn đơn phương là gì? Một quyết định hệ trọng trong cuộc sống hôn nhân. Khi không thể tiếp tục chung sống và không có sự đồng thuận từ đối phương, bạn có quyền yêu cầu tòa án chấm dứt quan hệ vợ chồng. Cùng tìm hiểu về khái niệm, quy định, điều kiện và thủ tục ly hôn đơn phương mới nhất trong năm 2025 để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
Nội dung chính:
- 1. Ly hôn đơn phương là gì?
- 2. Điều kiện được ly hôn đơn phương là gì?
- 3. Thành phần hồ sơ ly hôn đơn phương mới nhất
- 4. Quy trình ly hôn đơn phương
- 5. Chi phí ly hôn đơn phương hết bao nhiêu?
- 6. Chi phí ly hôn đơn phương do vợ hay chồng phải trả?
- 7. Phân chia tài sản thế nào khi ly hôn đơn phương
- Kết luận
1. Ly hôn đơn phương là gì?
Ly hôn đơn phương là việc ly hôn không có sự đồng thuận từ hai vợ chồng, chỉ có một bên muốn chấm dứt quan hệ vợ chồng mà bên kia không mong muốn. Hoặc cũng có thể hai bên vợ chồng không thể thống nhất về quyền nuôi con, phân chia tài sản sau khi ly hôn cũng được gọi là trường hợp đơn phương ly hôn.
Tuy nhiên, nếu vợ chồng không thể hòa giải được, thì Tòa án sẽ giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc có vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Ngoài ra, trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án cũng sẽ giải quyết cho ly hôn theo quy định.

2. Điều kiện được ly hôn đơn phương là gì?
Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì hiện nay pháp luật cho phép vợ, chồng được phép ly hôn theo yêu cầu của một bên. Tuy nhiên, việc ly hôn này sẽ phải được thực hiện trên cơ sở những căn cứ chứng minh một trong hai bên có hành vi, vi phạm nghiêm trọng chế độ vợ, chồng.
Theo đó, căn cứ theo quy định tại điều 56 Luật hôn nhân và gia đình 2014 về ly hôn theo yêu cầu của một bên được thực hiện trong những trường hợp sau:
“Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên
- Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
- Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.”
- Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.”
Tại Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/07/2024, Hội đồng thẩm phán hướng dẫn cụ thể về các căn cứ ly hôn đơn phương như sau:
“Vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình” là vợ, chồng có các hành vi được thể hiện tại khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Trong đó, có một số hành vi đáng chú ý như:
- Bỏ mặc, không quan tâm vợ, chồng;
- Không nuôi dưỡng, chăm sóc vợ mang thai, vợ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc vợ, chồng không có khả năng tự chăm sóc;
- Kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới, giới tính, năng lực của vợ, chồng;
- Ngăn cản vợ, chồng gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh;
- Cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng;
- Kiểm soát tài sản, thu nhập của vợ, chồng nhằm tạo ra tình trạng lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần hoặc các mặt khác;
- Cưỡng ép vợ, chồng ra khỏi chỗ ở hợp pháp trái pháp luật;
- Các hành vi khác nhằm cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý.
“Vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng” là vi phạm quy định của Luật Hôn nhân và gia đình về quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng dẫn đến xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người kia. Ví dụ: Vợ, chồng phá tán tài sản gia đình.
“Hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được” là thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Không có tình nghĩa vợ chồng, ví dụ: vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau; vợ, chồng sống ly thân, bỏ mặc vợ hoặc chồng;
- Vợ, chồng có quan hệ ngoại tình;
- Vợ, chồng xúc phạm nhau, làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, tổn thất về tinh thần hoặc gây thương tích, tổn hại đến sức khỏe của nhau;
- Không bình đẳng về quyền, nghĩa vụ giữa vợ, chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển.
Theo quy định trên thì trong trường hợp vợ hoặc chồng muốn đơn phương ly hôn thì vợ hoặc chồng phải đưa ra được cơ sở chứng minh rằng đối phương đã vi phạm nghĩa vụ của vợ chồng (ví dụ có hình ảnh, video ghi nhận có hành vi ngoại tình) hoặc có căn cứ chứng minh vợ hoặc chồng thường xuyên có hành vi bạo lực gia đình khi hai người chung sống với nhau gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tinh thần của vợ hoặc chồng.
3. Thành phần hồ sơ ly hôn đơn phương mới nhất
Để ly hôn đơn phương, vợ hoặc chồng cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và thực hiện đúng quy trình theo quy định pháp luật. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết về thành phần hồ sơ theo đúng thủ tục mới nhất:
- Đơn khởi kiện về việc ly hôn đơn phương theo mẫu quy định;
- Bản gốc giấy chứng nhận đăng ký kết hôn;
- Bản sao chứng thực của chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân;
- Bản sao chứng thực của giấy khai sinh của con nếu có con chung;
- Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản chung nếu có yêu cầu phân chia tài sản chung khi ly hôn;
- Giấy tờ khác chứng minh bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghĩa vụ vợ chồng (nếu có).
Trường hợp không còn giữ Giấy chứng nhận kết hôn thì có thể liên hệ với cơ quan hộ tịch nơi đã đăng ký kết hôn để xin cấp bản sao.
Trường hợp không có chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân của vợ hoặc chồng thì theo hướng dẫn của Tòa án để nộp giấy tờ tùy thân khác thay thế.
* Nếu đơn phương ly hôn thì sẽ dùng Mẫu đơn khởi kiện ly hôn đơn phương được ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP tại đây.
4. Quy trình ly hôn đơn phương
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ những giấy tờ như đã nêu tại mục (3), cá nhân thực hiện theo trình tự như sau:
Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ
Người có yêu cầu giải quyết ly hôn (người khởi kiện) gửi hồ sơ ly hôn đơn phương đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết bằng các phương thức sau: (i) Nộp trực tiếp tại Tòa án; (ii) Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính; (iii) Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
Bước 2: Thủ tục nhận đơn
Khi nhận được đơn khởi kiện ly hôn, Tòa án cấp giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện (nếu nộp trực tiếp tại Tòa án) hoặc gửi thông báo nhận đơn cho người khởi kiện (nếu nộp đơn qua dịch vụ bưu chính hoặc gửi trực tuyến).
Bước 3: Xử lý đơn ly hôn đơn phương
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:
Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;
Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Kết quả xử lý đơn của Thẩm phán quy định tại khoản 3 Điều này phải được ghi chú vào sổ nhận đơn và thông báo cho người khởi kiện qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
Bước 4: Thụ lý giải quyết ly hôn đơn phương
Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí.
Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
Thẩm phán thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
Trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì Thẩm phán phải thụ lý vụ án khi nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo.
Bước 5: Tổ chức phiên họp giao nhận, tiếp cận tài liệu chứng cứ và hòa giải
Trước khi tiến hành phiên họp, Thẩm phán phải thông báo cho đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về thời gian, địa điểm tiến hành phiên họp và nội dung của phiên họp.
Trường hợp ly hôn đơn phương không tiến hành hòa giải được theo quy định tại Điều 207 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì Thẩm phán tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ mà không tiến hành hòa giải.
Đối với vụ án tranh chấp về nuôi con khi ly hôn hoặc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, Thẩm phán phải lấy ý kiến của con chưa thành niên từ đủ bảy tuổi trở lên, trường hợp cần thiết có thể mời đại diện cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em chứng kiến, tham gia ý kiến.
Trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án dân sự thì Tòa án lập biên bản hòa giải thành. Biên bản này được gửi ngay cho các đương sự tham gia hòa giải.
Hết thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công phải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, Tòa án phải gửi quyết định đó cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp.
Bước 6: Mở phiên tòa sơ thẩm xét xử hôn nhân
Trường hợp các bên hòa giải không thành, trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa xét xử ly hôn đơn phương.
Trường hợp có lý do chính đáng, thời gian này có thể được gia hạn nhưng không quá 2 tháng. Kết thúc phiên tòa, kết quả giải quyết yêu cầu đơn phương ly hôn sẽ được quyết định bằng bản án.
5. Chi phí ly hôn đơn phương hết bao nhiêu?
Khi ly hôn đơn phương, chi phí sẽ phụ thuộc vào việc vợ chồng có yêu cầu phân chia tài sản hoặc công nợ không. Theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 về án phí và lệ phí Tòa án, án phí trong các vụ án hôn nhân và gia đình được chia thành có giá ngạch và không có giá ngạch.
Do đó, khi có và không có phân chia tài sản hoặc nợ chung, vợ chồng có thể sẽ phải nộp mức án phí khác nhau.
Cụ thể:
Nếu chỉ yêu cầu Tòa án ly hôn đơn phương mà không có tài sản, nợ chung… thì được xem là ly hôn không có giá ngạch và mức án phí vợ chồng phải chịu là 300.000 đồng.
Ngược lại, nếu có giá ngạch thì tùy vào giá trị của giá ngạch đó để chịu mức án phí tương ứng, cụ thể:
STT | Giá trị của tài sản, nợ chung | Mức án phí |
1 | Từ 06 triệu đồng trở xuống | 300.000 đồng |
2 | Từ trên 06 – 400 triệu đồng | 5% giá trị tài sản có tranh chấp |
3 | Từ trên 400 – 800 triệu đồng | 20 triệu đồng + 4% của phần giá trị tài sản vượt quá 400 triệu đồng |
4 | Từ trên 800 – 02 tỷ đồng | 36 triệu đồng + 3% của phần giá trị tài sản vượt 800 triệu đồng |
5 | Từ trên 02 – 04 tỷ đồng | 72 triệu đồng + 2% của phần giá trị tài sản vượt 02 tỷ đồng |
6 | Từ trên 04 tỷ đồng | 112 triệu đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản vượt 04 tỷ đồng. |
Như vậy, chi phí ly hôn đơn phương có thể dao động từ thấp nhất là 300.000 đồng và không có giới hạn cao nhất tiền án phí phải nộp cho Tòa án. Trường hợp theo thủ tục rút gọn thì án phí bằng 50% mức trên.

6. Chi phí ly hôn đơn phương do vợ hay chồng phải trả?
Căn cứ khoản 4 Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, án phí sơ thẩm sẽ do nguyên đơn (người yêu cầu ly hôn) chi trả mà không phụ thuộc vào việc Tòa án có chấp nhận yêu cầu của người đó hay không.
Như vậy, trong ly hôn, việc ai phải chịu án phí ly hôn đơn phương khác hoàn toàn so với quy định chung cũng như quy định về ly hôn thuận tình.
Bởi trong các vụ án dân sự khác, đương sự phải chịu án phí sơ thẩm nếu Tòa án không chấp nhận yêu cầu của họ hoặc khi thuận tình ly hôn thì vợ chồng phải chịu mỗi bên một nửa số án phí sơ thẩm trừ trường hợp không phải nộp hoặc được miễn nộp tiền án phí Tòa án.
Đặc biệt, nếu các bên thỏa thuận được về việc phân chia tài sản chung và yêu cầu Tòa án ghi nhận trong bản án trước khi Tòa án tiến hành hòa giải thì không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm với việc phân chia tài sản chung.
Ngoài ra, một số nội dung đáng chú ý về nghĩa vụ nộp án phí trong vụ án ly hôn đơn phương được nêu tại khoản 5 Điều 27 Nghị quyết 326 như sau:
– Nếu vợ chồng tranh chấp về việc chia tài sản chung vợ chồng thì phải chịu mức án phí 300.000 đồng và án phí với phần tài sản có tranh chấp (án phí có giá ngạch).
– Phải chịu 50% mức án phí dân sự tương ứng với giá trị phần tài sản được chia nếu Tòa án đã hòa giải và tại phiên hòa giải vợ chồng không thỏa thuận được việc chia tài sản chung nhưng tự thỏa thuận được trước khi mở phiên tòa và yêu cầu Tòa án ghi nhận trong bản án, quyết định thì được coi là vợ chồng thỏa thuận được trong trường hợp Tòa án hòa giải trước khi mở phiên tòa.
– Vẫn phải chịu án phí với việc chia toàn bộ tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung vợ chồng nếu Tòa tiến hành hòa giải, vợ chồng chỉ thống nhất thỏa thuận được về việc phân chia một số tài sản chung, nghĩa vụ chung mà không phải tất cả, vẫn còn một số tài sản nữa không thỏa thuận được.
7. Phân chia tài sản thế nào khi ly hôn đơn phương
Tranh chấp về chia tài sản khi ly hôn sẽ được giải quyết cùng với yêu cầu ly hôn hoặc được tách ra giải quyết ở một vụ án riêng. Pháp luật luôn công nhận việc thỏa thuận phân chia tài sản giữa vợ và chồng, khi hai bên không thỏa thuận được, Tòa án sẽ giải quyết việc phân chia.
Việc giải quyết tài sản khi ly hôn sẽ được Tòa án giải quyết dựa trên các nguyên tắc của Luật Hôn nhân và gia đình cũng như Bộ luật dân sự. Theo quy định của pháp luật, việc phân chia tài sản như sau:
– Tài sản riêng: Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.
– Tài sản chung: Về nguyên tắc, tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố: Hoàn cảnh của gia đình của vợ, chồng; Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung; và lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
Trong quá trình phân chia tài sản, pháp luật bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Bạn đọc cùng quan tâm đến các vấn đề khi quyết định ly hôn:
Kết luận
Ly hôn đơn phương là một quyền của mỗi cá nhân khi cảm thấy hôn nhân không còn mang lại hạnh phúc. Tuy nhiên, quá trình này có thể gặp nhiều khó khăn và yêu cầu sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt pháp lý. Để hiểu rõ hơn khái niệm ly hôn đơn phương là gì, bên cạnh đó là sự đảm bảo quyền lợi của mình và tránh các rủi ro, bạn nên liên hệ với Luật sư tư vấn ly hôn Meta Law để được tư vấn và hỗ trợ chi tiết.

META LAW SẴN SÀNG TƯ VẤN
Nếu bạn đang cần tư vấn pháp lý, hãy đặt câu hỏi. META LAW luôn sẵn sàng tư vấn và sẽ gọi lại cho bạn sau ít phút...