Những quy định về yêu cầu phản tố trong tố tụng dân sự
Trong tố tụng dân sự, bị đơn không chỉ có quyền phản biện yêu cầu khởi kiện từ phía nguyên đơn mà còn có thể kiện lại nguyên đơn trong chính vụ việc đó, đó gọi là yêu cầu phản tố trong tố tụng dân sự. Phản tố là một công cụ quan trọng để bên bị kiện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, giúp Tòa án giải quyết tranh chấp một cách toàn diện trong một vụ việc, không phải xét xử nhiều lần, đảm bảo công bằng cho các bên. Vậy phản tố trong tố tụng dân sự là gì? Cùng Meta Law tìm hiểu các điều kiện và những vấn đề liên quan đến yêu cầu phản tố trong tố tụng dân sự.
Nội dung chính:
1. Khái niệm, điều kiện của yêu cầu phản tố trong tố tụng dân sự
Trong Bộ luật tố tụng dân sự 2015 không đưa ra quy định cụ thể về khái niệm của “yêu cầu phản tố trong tố tụng dân sự”. Tại Khoản 1 Điều 200 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định: “Cùng với việc phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.” Như vậy, ta có thể hiểu yêu cầu phản tố trong tố tụng dân sự là yêu cầu từ phía bị đơn (người bị khởi khiện) trong một vụ án dân sự đối với người kiện mình. Nói cách khác, yêu cầu phản tố chính là việc bị đơn kiện ngược lại nguyên đơn trong cùng một vụ án dân sự. Yêu cầu phản tố này sẽ được xem xét và giải quyết trong cùng đơn khởi kiên của nguyên đơn tại vụ án đó.
Với việc đảm bảo chế định về yêu cầu phản tố trong tố tụng dân sự sẽ đem lại những ý nghĩa quan trọng như:
- Đảm bảo sự công bằng trong hoạt động xét xử.
- Giúp vụ án được giải quyết nhanh chóng, chính xác
- Các bên tham gia tố tụng được đảm bảo quyền lợi hợp pháp, đặc biệt là phía bị đơn
Để yêu cầu của bị đơn được coi là yêu cầu phản tố thì cần đáp ứng được các điều kiện nhất định theo quy định pháp luật.

1.1. Điều kiện về nội dung yêu cầu phản tố
Yêu cầu phản tố trong tố tụng dân sự chỉ được chấp nhận khi thuộc một trong những trường hợp quy định tại khoản 2, Điều 200 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 gồm:
– Yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với nguyên đơn;
– Yêu cầu phản tố dẫn đến việc loại trừ một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn;
– Yêu cầu phản tố trong tố tụng dân sự được đưa ra nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh chóng hơn.
1.2. Điều kiện về hình thức của yêu cầu phản tố
Việc thực hiện quyền phản tố của bị đơn phải đáp ứng hình thức như khởi kiện của một vụ việc. Điều 202 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định: “Thủ tục yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập được thực hiện theo quy định của Bộ luật này về thủ tục khởi kiện của nguyên đơn”, có nghĩa là bị đơn phải soạn đơn phản tố bằng văn bản và gửi tới Toà án, sau đó bị đơn sẽ phải thực hiện nghĩa vụ nộp tạm ứng án phí như nguyên đơn. Thời hạn chuẩn bị xét xử sẽ được tính lại kể từ ngày bị đơn nộp tạm ứng án phí hoặc trong trường hợp bị đơn được miễn án phí thì tính từ ngày Toà án nhận được đơn phản tố.
Bên cạnh những yếu tố về trình tự, thủ tục thì hậu quả pháp lý cũng thay đổi cơ bản nếu như bị đơn đưa ra yêu cầu phản tố. Cụ thể, thay vì trước kia bị đơn không có nghĩa vụ chứng minh cho ý kiến của mình thì bây giờ bị đơn phải chủ động trong việc chứng minh yêu cầu phản tố của mình. Khi nguyên đơn rút đơn khởi kiện, nếu bị đơn không đưa ra yêu cầu phản tố thì Thẩm phán sẽ đình chỉ giải quyết vụ án. Tuy nhiên, nếu như bị đơn đã đưa ra yêu cầu phản tố thì vai trò của các bên sẽ thay đổi nếu nguyên đơn rút đơn khởi kiện, bị đơn sẽ trở thành nguyên đơn và ngược lại, nguyên đơn lại trở thành bị đơn, vụ án vẫn tiếp tục được giải quyết.
2. Đặc điểm của yêu cầu phản tố trong tố tụng dân sự
2.1. Chủ thể đưa ra yêu cầu phản tố
Quyền được đưa ra yêu cầu phản tố của bị đơn được quy định tại Khoản 1 Điều 200 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 như sau: “Cùng với việc phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập”.
Có nghĩa, sau khi nhận được thông báo về việc thụ lý vụ án của Tòa án hoặc sau khi nhận được thông báo về việc thụ lý đơn yêu cầu độc lập của Tòa án, bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn hoặc đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Vậy bị đơn chính là chủ thể của yêu cầu phản tố trong tố tụng dân sự.
Song, thực trạng hoạt động tố tụng vẫn còn có sự nhầm lẫn giữa yêu cầu phản tố của bị đơn với ý kiến của bị đơn. Điều đó dẫn đến hậu quả Tòa án không xem xét yêu cầu phản tố của bị đơn hoặc chỉ là ý kiến của bị đơn nhưng Tòa án lại xem xét giải quyết như yêu cầu phản tố của bị đơn.
Tuy nhiên, còn một thực tế về chủ thể có quyền đưa ra yêu cầu phản tố. “Phản tố” cần được hiểu theo phạm vi rộng, theo đó khi nguyên đơn có yêu cầu đối với yêu cầu của bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập hoặc ngược lại, nếu có đầy đủ điều kiện thì cũng cần xác định đó là “yêu cầu phản tố” hay nói cách, khác nguyên đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan cũng có quyền đưa ra yêu cầu phản tố. Thực tiễn xét xử cũng đã có trường hợp yêu cầu của nguyên đơn được xác định là yêu cầu phản tố và được tiến hành thụ lý giải quyết theo quy định của pháp luật tố tụng về phản tố.

2.2. Đặc điểm của yêu cầu phản tố:
– Yêu cầu phản tố giống như quyền của bị đơn trong hoạt động tố tụng dân sự, được pháp luật ghi nhận và bảo vệ theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Việc bị đơn đưa ra yêu cầu phản tố nhằm mục đích “kiện ngược lại” nguyên đơn và yêu cầu phản tố là quyền của bị đơn nên nó phụ thuộc vào việc bị đơn thực hiện hoặc không thực hiện tùy thuộc vào lựa chọn và ý chí của bị đơn.
– Yêu cầu phản tố phải để bù trừ nghĩa vụ hoặc loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập khi yêu cầu này được chấp nhận.
– Yêu cầu phản tố chỉ phát sinh khi có nguyên đơn có đơn khởi kiện ra Tòa án và được Tòa thụ lý, sau đó bị đơn có đơn yêu cầu Tòa giải quyết yêu cầu phản tố để nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
– Yêu cầu phản tố của bị đơn chỉ liên quan đến vụ án đang được thụ lý nhưng phải độc lập với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
3. Thời điểm đưa ra yêu cầu phản tố trong tố tụng dân sự
3.1. Thời điểm bắt đầu
Theo quy định tại khoản 1 Điều 199 BLTTDS năm 2015: “Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn và tài liệu, chứng cứ kèm theo, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập (nếu có).” Vậy, thời điểm bắt đầu để bị đơn được quyền đưa ra yêu cầu phản tố là kể từ ngày nhận được thông báo thụ lý của tòa án.
3.2. Thời điểm kết thúc (cuối cùng)
Yêu cầu phản tố bản chất chính là yêu cầu khởi kiện, vì vậy khi xem xét, giải quyết yêu cầu phản tố cũng cần thực hiện theo thủ tục giải quyết một yêu cầu khởi kiện. Theo khoản 3 Điều 200 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.” Như vậy, theo quy định trên thì thời điểm cuối cùng bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố là trước khi mở phiên họp kiểm tra giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Sau thời điểm này, Tòa sẽ không tiếp nhận và xem xét đơn phản tố.
Tuy nhiên, theo những quy định trên, ta lại không thấy có quy định nào về số lượng phản tố mà bị đơn được đưa ra. Có thể nói rằng, yêu cầu phản tố trong tố tụng dân sự không giới hạn số lượng, bị đơn đưa ra bao nhiêu yêu cầu phản tố cũng được, miễn là thuộc thời hạn yêu cầu phản tố được chấp nhận như nêu trên.
Những bài viết hữu ích khác giúp bạn hiểu rõ hơn về Tố tụng dân sự:
4. Phân biệt yêu cầu phản tố và phản đối. Ví dụ về yêu cầu phản tố trong tố tụng dân sự.
Tiêu chí | Yêu cầu phản tố | Yêu cầu phản đối |
Khái niệm | Phản tố trong tố tụng dân sự là yêu cầu độc lập của bị đơn đối với nguyên đơn nhằm bảo vệ quyền lợi của mình hoặc thay đổi quan hệ pháp lý giữa các bên | Là ý kiến, lập luận của bị đơn nhằm bác bỏ, phủ nhận, hạn chế yêu cầu của nguyên đơn về một vấn đề nào đó |
Tính độc lập | Là một yêu cầu riêng biệt có thể được xem xét để giải quyết trong cùng 1 vụ án với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn hoặc có thể tách ra thành một vụ án khác. | Chỉ thể hiện sự phản đối, không độc lập với yêu cầu của nguyên đơn, không có tính chất của một vụ kiện riêng. |
Phạm vi giải quyết | Tòa án đồng thời giải quyết yêu cầu phản tố cùng yêu cầu khởi kiện trong cùng một vụ án | Chỉ được xem xét trong phạm vi phản biện đối với yêu cầu của nguyên đơn |
Thủ tục | Cần đáp ứng các điều kiện giống như 1 yêu cầu khởi kiện, kèm theo đó là nộp tạm ứng án phí | Không yêu cầu thủ tục riêng, có thể nêu trong bản tự khai, biên bản trong phiên hòa giải hoặc phản biện trước phiên Tòa |
Hậu quả pháp lý | Nếu yêu cầu phản tố được chấp nhận có thể làm thay đổi quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn và bị đơn | Chỉ giúp bị đơn bác bỏ hoặc hạn chế yêu cầu khởi kiện, không làm thay đổi địa vị pháp lý giữa các đương sự |
Ví dụ | A kiện B đòi thanh toán khoản nợ mà A cho B vay là 500 triệu đồng, B đưa ra yêu cầu phản tố đòi A thanh toán số tiền của hợp đồng mua bán hàng hóa là 200 triệu đồng. | A kiện B yêu cầu trả 100 triệu đồng tiền hàng còn thiếu theo hợp đồng mua bán hàng hóa, B không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn vì B cho rằng hàng hóa A giao bị lỗi, không đúng thỏa thuận. |
Yêu cầu phản tố trong tố tụng dân sự là một công cụ pháp lý quan trọng giúp bị đơn chủ động bảo vệ quyền lợi của bản thân trong hoạt động tố tụng. Không chỉ đơn thuần là bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố còn có thể làm phát sinh nghĩa vụ mới cho nguyên đơn, thậm chí thay đổi toàn bộ cục diện vụ án vì yêu cầu phản tố bản chất cũng là một yêu cầu khởi kiện. Vì vậy, yêu cầu phản tố phải đáp ứng những điều kiện về nội dung, hình thức và thủ tục như một đơn khởi kiện. Việc đưa ra yêu cầu phản tố hợp pháp không chỉ giúp vụ án được giải quyết khách quan, toàn diện mà còn giúp tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí tố tụng.

META LAW SẴN SÀNG TƯ VẤN
Nếu bạn đang cần tư vấn pháp lý, hãy đặt câu hỏi. META LAW luôn sẵn sàng tư vấn và sẽ gọi lại cho bạn sau ít phút...