Pháp nhân là gì?

      1. Khái niệm

Hiện nay, các quy định của pháp luật chưa nêu rõ khái niệm pháp nhân, Điều 74 Bộ luật Dân sự 2015 chỉ quy định:

1. Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;

b) Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;

c) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;

d) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Theo đó, có thể hiểu đơn giản Pháp nhân là một tổ chức đáp ứng đủ các điều kiện mà pháp luật quy định bao gồm: Được thành lập hợp pháp, có cơ cấu tổ chức, có tài sản độc lập và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó, nhân danh chính mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

      2. Đặc điểm

a.Tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật

– Thành lập hợp pháp;

– Có tên gọi bằng tiếng Việt. Tên phải thể hiện rõ loại hình tổ chức của pháp nhân và phân biệt với các pháp nhân khác trong cùng một lĩnh vực hoạt động.

– Sử dụng tên gọi của mình trong giao dịch dân sự.

– Trụ sở của pháp nhân là nơi đặt cơ quan điều hành của pháp nhân.

b.Có cơ quan điều hành, cơ cấu tổ chức chặt chẽ

– Có điều lệ hoạt động rõ ràng do các thành viên dựng nên;

– Có sơ đồ tổ chức hoạt động rõ ràng.

c.Có tài sản độc lập và tự chịu trách nhiệm với tài sản của mình

– Có tài sản độc lập và toàn quyền sử dụng những tài sản này mà không chịu sự chi phối, kiểm soát của bất kỳ ai.

– Tài sản của pháp nhân hoàn toàn tách biệt với tài sản của các thành viên.

d.Có quyền nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập

– Có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật để nhân danh (thay mặt, đại diện) pháp nhân tham gia các quan hệ pháp luật.

– Có con dấu riêng do người đại diện quản lý và sử dụng. Con dấu pháp nhân có giá trị xác nhận tính pháp lý của văn bản, tài liệu do pháp nhân ban hành.

      3. Phân loại

Căn cứ vào mục tiêu chính của pháp nhân, có thể chia pháp nhân thành 02 nhóm:

3.1. Pháp nhân thương mại

Theo Điều 75 Bộ luật Dân sự 2015, pháp nhân thương mại là pháp nhân được thành lập với mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. Pháp nhân thương mại hiện bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.

Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt các pháp nhân thương mại phải được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp và quy định pháp luật khác có liên quan.

3.2. Pháp nhân phi thương mại

Căn cứ Điều 76 Bộ luật Dân sự năm 2015, pháp nhân phi thương mại là pháp nhân được thành lập không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận; nếu có lợi nhuận thì cũng không được phân chia cho các thành viên. Ví dụ: Cơ quan nhà nước, Đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị xã hội….

Trên đây là những giải đáp của Công ty Luật TNHH Meta Law về Pháp nhân. Để được tư vấn thêm thông tin chi tiết Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp với Meta Law theo thông tin sau:

Công ty Luật TNHH META LAW

🏠 Địa chỉ: Tầng 5, số 137 Hoàng Quốc Việt, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.

🌐 Web: https://metaasia.vn/

☎️ Hotline tư vấn: 0869.898.809

✉️Email: tuvanmeta@gmail.com