Giải quyết con chung sau khi ly hôn

Trong xã hội hiện đại, tình trạng ly hôn ngày càng trở nên phổ biến do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ bất đồng quan điểm sống, mâu thuẫn gia đình đến áp lực kinh tế, xã hội. Ly hôn không chỉ chấm dứt quan hệ hôn nhân giữa vợ và chồng mà còn kéo theo nhiều hệ lụy pháp lý và xã hội, đặc biệt là vấn đề giải quyết quyền nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục con chung. Trẻ em trong các cuộc ly hôn thường trở thành đối tượng dễ bị tổn thương nhất, cả về tinh thần lẫn vật chất, khi quyền lợi của các em không được đảm bảo một cách đầy đủ và công bằng.

Việc giải quyết vấn đề con chung khi ly hôn không chỉ đơn thuần là một quyết định pháp lý mà còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện trách nhiệm của cha mẹ, cơ quan pháp luật và toàn xã hội trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của trẻ em. Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu và đề xuất các giải pháp cụ thể, phù hợp để giải quyết vấn đề con chung khi ly hôn là vô cùng cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc.

1. Khái niệm ly hôn:

Theo Khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 số 52/2014/QH13 áp dụng 2024 mới nhất quy định: “Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án”. Ly hôn tất yếu sẽ kéo theo những hậu quả pháp lý cần phải giải quyết như sau:

– Quyền và nghĩa vụ về nhân thân trong quan hệ giữa vợ và chồng (Luật Hôn nhân và gia đình 2014 số 52/2014/QH13 từ Điều 17 đến Điều 23) sẽ chấm dứt ngay khi quyết định, bản án của Tòa án giải quyết ly hôn có hiệu lực. Sau đó họ hoàn toàn có thể kết hôn với một người khác mà không phải chịu bất kì sự ràng buộc nào từ bên còn lại khi đã ly hôn.

– Tài sản chung của vợ chồng được chia đều cho mỗi bên vợ, chồng và tài sản này sẽ thuộc sở hữu riêng của mỗi người.

– Quyền và nghĩa vụ cha, mẹ và con sau khi ly hôn (theo Điều 58 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 số 52/2014/QH13). Theo đó, cha mẹ sau khi ly hôn vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Từ đó, đặt ra vấn đề về việc ai có quyền trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng con sau ly hôn và các vấn đề liên quan khác như cấp dưỡng, thăm nom và thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn.

2. Khái niệm về con chung và căn cứ xác định:

Theo Từ điển Luật học, con chung được hiểu là “Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân. Con được sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận cũng là con chung của vợ chồng. trong trường hợp cha hoặc mẹ không thừa nhận nhưng có chứng cứ để Tòa án ra căn cứ quyết định xác định là con của hai người thì cũng là con chung của vợ chồng. Con được sinh ra mà cha mẹ không đăng ký kết hôn, không sống chung với nhau như vợ chồng trên thực tế thì vẫn là con chung của hai người và thường được gọi là con ngoài giá thú. Con nuôi do vợ chồng cùng nhận nuôi cũng là con chung”. Do vậy, con chung của vợ chồng có thể hiểu là con mà được vợ chồng xác định là cha mẹ của người con đó, bao gồm con đẻ và con nuôi.

 

Về căn cứ xác định con chung, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 số 52/2014/QH13 đã quy định rõ tại Điều 88 về xác định cha, mẹ như sau:

“1. Con được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.

Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.

Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.

2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.

Căn cứ xác định con chung của vợ chồng theo quy định pháp luật mang tính chất suy đoán pháp lý, theo đó khi xác định con chung cần căn cứ vào từng trường hợp cụ thể.

3. Giải quyết con chung khi cha mẹ ly hôn:

Khi ly hôn, chỉ đặt ra vấn đề giải quyết con chung đối với con chung còn phụ thuộc vào cha mẹ, cần có sự nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục gồm con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của pháp luật.

  • Giao con cho một bên trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục khi ly hôn.

Vấn đề ai là người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn hai vợ chồng có thể tự thoả thuận với nhau và được Toà án ghi nhận trong quyết định, bản án. Trong trường hợp hai bên không thể tự thoả thuận được với nhau, Toà án sẽ xem xét, giao quyền nuôi con cho một bên vợ hoặc chồng (căn cứ khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 số 52/2014/QH13).

Như vậy, pháp luật tôn trọng sự thỏa thuận của hai vợ chồng khi ly hôn, trong trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con được quy định tại Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn quy định trong giải quyết vụ việc về hôn nhân gia đình, chẳng hạn như: điều kiện, khả năng về thu nhập, tài chính, tài sản của cha, mẹ trong việc nuôi dưỡng con, bao gồm cả khả năng bảo vệ con khỏi bị xâm hại, bóc lột,…

Ngoài ra, còn có các trường hợp sau:

Thứ nhất, “trẻ dưới 36 tháng tuổi, cần nguồn dinh dưỡng từ sữa mẹ nên cần có sự chăm sóc từ phía người mẹ hơn” nên khi giải quyết con chung dưới 36 tháng tuổi thường được giao cho người mẹ trực tiếp chăm sóc trừ trường hợp cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con hoặc trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con theo quy định tại Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn quy định trong giải quyết vụ việc về hôn nhân gia đình;

Thứ hai, “con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con”, từ độ tuổi này trở đi con đã có đủ nhận thức và nguyện vọng của riêng mình; Việc con ở cùng ai là vấn đề quan trong quyết định đến tương lai của con, do vậy mà ý kiến của con cần được lắng nghe và tôn trọng.

  • Cấp dưỡng cho con khi ly hôn.

Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con khi ly hôn quy định tại Khoản 2 Điều 82 “Cha mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con” và Điều 110 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 số 52/2014/QH13 “Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con”.

Bên cạnh đó, mức cấp dưỡng nuôi con quy định tại Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 số 52/2014/QH13 như sau:

1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.”

Như vậy, cha mẹ sau khi ly hôn không trực tiếp nuôi con phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con, mức cấp dưỡng và phương thức thực hiện cấp dưỡng có thể do hai vợ chồng tự thỏa thuận, trong trường hợp không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

  • Việc thăm nom con của người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.

Sau khi ly hôn, con chung chỉ có thể sống chung với cha hoặc mẹ nên bên cạnh quy định về cấp dưỡng nuôi con, cha mẹ không trực tiếp nuôi con vẫn phải đảm bảo quyền được chăm sóc, giáo dục con thông qua quy định về quyền và nghĩa vụ thăm nom con của người không trực tiếp nuôi con, cụ thể tại Khoản 3 Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 số 52/2014/QH13: “Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó”. Việc thăm nom con của người không trực tiếp nuôi con không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ của người đó. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với chính bản thân cha, mẹ và con cái, nhằm bù đắp một phần cho sự thiệt thòi, xóa đi những tự ti, mặc cảm từ sự đổ vỡ của cha mẹ trong con; cũng như nỗi đau của cha hay mẹ.

Vì vậy, không ai có quyền cản trở quyền thăm non con chung của người không trực tiếp nuôi con. Tuy nhiên, trong trường hợp người này lợi dùng quyền hạn của mình gây ảnh hưởng đến xấu đến trẻ hoặc ảnh hưởng đến việc chăm sóc con của người đang trực tiếp nuôi con, thì người đó có thể bị Toà án tuyên hạn chế quyền thăm nom con nếu như bên còn lại có yêu cầu.

  • Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn.

Trong trường hợp theo yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 số 52/2014/QH13, Toà án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con, gồm:

         “a) Người thân thích;

          b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

          c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

          d) Hội liên hiệp phụ nữ.”

Về căn cứ, để Toà án thay đổi người trực tiếp nuôi dưỡng, trông nom, chăm sóc, giáo dục con; được quy định tại khoản 2 Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 số 52/2014/QH13. Thứ nhất, cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con. Khi có yêu cầu, Tòa án cần xem xét cẩn thận, tránh xảy ra tình trạng cha, mẹ tranh giành quyền nuôi con hoặc có mục đích khác mà không phải vì đặt lợi ích của con lên hàng đầu và việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên theo quy định tại Khoản 3 Điều này. Hoặc thứ hai, người trực tiếp nuôi dưỡng không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Đối với điều kiện này, Tòa án chỉ chấp nhận yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con khi thấy thật sự cần thiết để tránh làm ảnh hưởng tâm lý, xáo trộn cuộc sống của con.

Sau khi thay đổi người trực tiếp nuôi con thì quyền, nghĩa vụ của các bên cũng thay đổi theo. Tòa án có thể thay đổi một số nội dung về quyền, nghĩa vụ của người không trực tiếp nuôi con cho phù hợp như: mức cấp dưỡng, phương thức cấp dưỡng, quyền thăm nom con sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của các bên.

Những bài viết bạn có thể quan tâm:

Quy định về Giám đốc thẩm trong Tố tụng dân sự

Thủ tục khai tử cho người thân

Có giảm nhẹ trách nhiệm hình sự với người cao tuổi không?

Nếu bạn vẫn còn những thắc mắc hay cần tìm hiểu thêm về Giải quyết con chung sau khi ly hôn hãy liên hệ ngay đên Hotline của Văn phòng Luật sư Meta Law –  0869.898.809. Đội ngũ Luật sư tại Meta Law luôn sẵn sàng tư vấn và hỗ trợ bạn.

Biên tập: Ngọc Anh

Công ty Luật TNHH META LAW

META LAW SẴN SÀNG TƯ VẤN

Nếu bạn đang cần tư vấn pháp lý, hãy đặt câu hỏi. META LAW luôn sẵn sàng tư vấn và sẽ gọi lại cho bạn sau ít phút...





    Chia sẻ bài viết:  
    Đánh giá bài viết