Chứng khoán là gì? Những loại hình doanh nghiệp nào được phát hành chứng khoán?

1. Chứng khoán là gì?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019 thì: “Chứng khoán là một tài sản (cụ thể chứng khoán là một loại giấy tờ có giá), là bằng chứng xác nhận quyền sở hữu hợp pháp của người sở hữu chứng khoán với tài sản hoặc phần vốn của công ty hay tổ chức đã phát hành”.

2. Các loại chứng khoản.

Cụ thể, theo quy định tại khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019 quy định chứng khoán bao gồm các loại sau:

– Cổ phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành.

– Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành.

– Chứng chỉ quỹ là loại chứng khoán xác nhận quyền sở hữu của nhà đầu tư đối với một phần vốn góp của quỹ đầu tư chứng khoán.

– Chứng quyền là loại chứng khoán được phát hành cùng với việc phát hành trái phiếu hoặc cổ phiếu ưu đãi, cho phép người sở hữu chứng quyền được quyền mua một số cổ phiếu phổ thông nhất định theo mức giá đã được xác định trước trong khoảng thời gian xác định.

– Chứng quyền có bảo đảm là loại chứng khoán có tài sản bảo đảm do công ty chứng khoán phát hành, cho phép người sở hữu được quyền mua (chứng quyền mua) hoặc được quyền bán (chứng quyền bán) chứng khoán cơ sở với tổ chức phát hành chứng quyền có bảo đảm đó theo mức giá đã được xác định trước, tại một thời điểm hoặc trước một thời điểm đã được ấn định hoặc nhận khoản tiền chênh lệch giữa giá thực hiện và giá chứng khoán cơ sở tại thời điểm thực hiện.

– Quyền mua cổ phần là loại chứng khoán do công ty cổ phần phát hành nhằm mang lại cho cổ đông hiện hữu quyền được mua cổ phần mới theo điều kiện đã được xác định.

– Chứng chỉ lưu ký là loại chứng khoán được phát hành trên cơ sở chứng khoán của tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

– Chứng khoán phái sinh là công cụ tài chính dưới dạng hợp đồng, bao gồm hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn, trong đó xác nhận quyền, nghĩa vụ của các bên đối với việc thanh toán tiền, chuyển giao số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định trong khoảng thời gian hoặc vào ngày đã xác định trong tương lai.

– Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định.

3. Những loại hình doanh nghiệp nào được phát hành chứng khoán?

– Doanh nghiệp tư nhân: không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào (theo Khoản 2 Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020).

– Công ty hợp danh: không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào (theo Khoản 3 Điều 178 Luật Doanh nghiệp 2020).

– Công ty trách nhiệm hữu hạn:

+ không được phát hành cổ phần, trừ trường hợp chuyển đổi thành công ty cổ phần (theo Khoản 3 Điều 46 và Khoản 3 Điều 74 Luật Doanh nghiệp 2020).

+ được phát hành trái phiếu theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; việc phát hành trái phiếu riêng lẻ theo quy định tại Điều 128 và Điều 129 của Luật này (theo Khoản 4 Điều 46 và Khoản 4 Điều 74 Luật Doanh nghiệp 2020).

– Công ty cổ phần: có quyền phát hành cổ phần, trái phiếu và các loại chứng khoán khác của công ty (theo Khoản 3 Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020).

Như vậy, theo quy định trên thì ta có thể thấy có hai loại hình doanh nghiệp được phép phát hành chứng khoán là Công ty TNHH và Công ty Cổ phần.

Trên đây là những giải đáp của Công ty Luật TNHH Meta Law về những loại hình doanh nghiệp được phép phát hành chứng khoán. Để được tư vấn thêm thông tin chi tiết Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp với Meta Law theo thông tin sau:

Công ty Luật TNHH META LAW

🏠 Địa chỉ: Tầng 5, số 137 Hoàng Quốc Việt, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.

🌐 Web: https://metaasia.vn/

☎️ Hotline tư vấn: 0869.898.809

✉️Email: tuvanmeta@gmail.com

Biên tập: Ngọc Anh