Xác định tư cách tham gia tố tụng dân sự của các chủ thể

Tư cách tham gia tố tụng dân sự của các chủ thể là một trong các chế định pháp lý nền tảng trong Bộ luật Tố tụng dân sự, đóng vai trò xác lập phạm vi quyền và nghĩa vụ tố tụng của từng cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đến vụ việc dân sự. Việc xác định chính xác tư cách tố tụng không chỉ đảm bảo quyền lợi của các bên mà còn là điều kiện tiên quyết để Tòa án thụ lý, giải quyết vụ án đúng thẩm quyền và trình tự pháp luật.

1. Khái niệm chủ thể tham gia tố tụng dân sự

Trước khi xét đến tư cách tham gia tố tụng dân sự, thì tố tụng dân sự là một phần của hệ thống pháp luật nhằm mục đích giải quyết các vụ việc dân sự và thi hành án dân sự, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức và lợi ích của Nhà nước thông qua điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong tố tụng dân sự theo các quy phạm pháp luật. Hiểu đơn giản, tố tụng dân sự là hệ thống các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh giữa tòa án, viện kiểm sát với những người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết án dân sự và thi hành án dân sự.

Tố tụng dân sự bao gồm những hoạt động pháp lý liên quan đến việc đưa vụ việc ra trước Tòa án, xem xét chứng cứ và chứng minh kèm theo các yêu cầu của các đương sự nhằm bảo vệ quyền và lợi ích cho các bên, sau quá trình xem xét, đánh giá chứng cứ, Tòa án sẽ ra phán quyết về vụ việc đó.

Người tham gia tố tụng dân sự là người thực hiện hay góp phần tham gia vào việc giải quyết vụ việc dân sự và thi hành án dân sự để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình hay của người khác. Các hoạt động tố tụng của các bên đương sự chịu sự chi phối của các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng. Vì vậy, chủ thể tham gia tố tụng dân sự gồm các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng và đương sự.

Xác định tư cách tham gia tố tụng dân sự của các chủ thể
Xác định tư cách tham gia tố tụng dân sự của các chủ thể

2. Cơ quan tiến hành tố tụng dân sự

Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định các cơ quan tiến hành tố tụng dân sự bao gồm Tòa án và Viện kiểm sát. Đây là những cơ quan nhà nước có tư cách tham gia tố tụng dân sự để thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn trong việc giải quyết vụ việc dân sự và kiểm sát việc tuân theo pháp luật tố tụng dân sự. Vì vậy, các chủ thể này có tham gia tố tụng với vai trò (tư cách) là cơ quan tiến hành tố tụng dân sự, chứ không được hiểu tư cách tham gia tố tụng dân sự theo nghĩa đương sự.

Theo khoản 1 Điều 46 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì cơ quan tiến hành tố tụng dân sự gồm những cơ quan sau:

– Tòa án;
– Viện kiểm sát.

2.1. Vai trò của Tòa án

Tòa án là cơ quan tiến hành tố tụng chủ yếu, thực hiện nhiệm vụ giải quyết các  vụ việc dân sự. Nghị quyết số 49-NQ/TW năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã khẳng định xét xử là trọng tâm của hoạt động tư pháp và Tòa án có vị trí trung tâm trong hệ thống tư pháp. Hoạt động xét xử là trọng tâm của toàn bộ quá trình tố tụng vì chỉ thông qua hoạt động xét xử mới ra được phán quyết mang tính quyền lực nhà nước về tính hợp pháp, đúng đắn của hành vi, hay về quyền và nghĩa vụ của các bên tranh chấp. Hoạt động xét xử dẫn đến kết quả là các cá nhân, tổ chức được hưởng các quyền và lợi ích hoặc gánh chịu các nghĩa vụ nhất định.

2.2. Vai trò của Viện kiểm sát

Viện kiểm sát là cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự. Việc ghi nhận tư cách tham gia tố tụng dân sự của Viện Kiểm sát là cơ quan tiến hành tố tụng là đặc thù của pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam. Trong Tố tụng dân sự Việt Nam, Viện Kiểm sát có nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự nhằm phát hiện ra những vi phạm pháp luật trong quá trình tố tụng để kịp thời yêu cầu sửa chữa, khắc phục. Cơ sở của việc quy định nhiệm vụ này cho Viện Kiểm sát là trong điều kiện Việt Nam hiện nay, trình độ hiểu biết pháp luật của người dân còn hạn chế, đội ngũ luật sư còn mỏng, trong rất nhiều vụ việc dân sự không có sự tham gia của luật sư, do đó, mặc dù pháp luật tố tụng dân sự quy định các đương sự có quyền tự định đoạt và có nghĩa vụ chứng minh, nhưng trên thực tế, Tòa án vẫn đóng vai trò chủ động trong quá trình thu thập chứng cứ và ra các quyết định tổ tụng. Vì vậy, cần có một cơ quan khác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự để hạn chế sự lạm dụng quyền hạn của Tòa án, phát hiện những sai phạm của Tòa án để kịp thời khắc phục, nhằm bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.

Mời bạn đọc thêm: Nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự theo quy định pháp luật hiện hành

3. Người tiến hành tố tụng dân sự

Tương tự như Cơ quan tiến hành tố tụng dân sự, người tiến hành tố tụng dân sự cũng tham gia tố tụng với vai trò là những người tiến hành tố tụng, không phải với tư cách tham gia tố tụng dân sự của đương sự.

Theo khoản 2 Điều 46 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, người tiến hành tố tụng dân sự gồm có:

  • Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án.
  • Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên.

3.1. Chánh án Tòa án

Chánh án Tòa án là người tiến hành tố tụng đứng đầu Tòa án, tổ chức và chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trong giải quyết các vụ việc dân sự.

Chánh án Tòa án có những nhiệm vụ, quyền hạn như: tổ chức công tác giải quyết các vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền của Tòa án; quyết định phân công Thẩm phán giải quyết vụ việc dân sự, phân công Hội thẩm nhân dân tham gia Hội đồng xét xử vụ án dân sự, phân công Thư ký Tòa án tiến hành tố tụng đối với vụ việc dân sự, quyết định thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án trước khi mở phiên tòa; quyết định thay đổi người giám định, người phiên dịch trước khi mở phiên tòa; ra các quyết định và tiến hành các hoạt động tố tụng dân sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, giải quyết khiếu nại, tố cáo; kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

Chánh án Tòa án khi hành động với tư cách là một Thẩm phán cũng có các quyền và nghĩa vụ như các Thẩm phán khác.

3.2. Thẩm phán

Thẩm phán là người tiến hành tố tụng chủ yếu trong tố tụng dân sự, thực hiện nhiệm vụ giải quyết các vụ việc dân sự và tham gia vào tất cả các giai đoạn tố tụng.

Tố tụng dân sự Việt Nam là tố tụng thẩm vấn có tiếp thu yếu tố tranh tụng, do đó, Thẩm phán có vai trò khá chủ động với những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể bao gồm: tiến hành lập hồ sơ vụ án; quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời; quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự, hòa giải vụ việc dân sự để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án; ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự, quyết định đưa vụ án dân sự ra xét xử và quyết định đưa việc dân sự ra giải quyết; quyết định triệu tập những người đến tham gia phiên tòa; tham gia xét xử các vụ án dân sự, giải quyết việc dân sự; tiến hành các hoạt động tố tụng khác khi giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Ngoài ra, nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán trong từng hoạt động tố tụng cụ thể được Bộ luật Tố tụng dân sự ghi nhận ở những quy định riêng về các khâu của giai đoạn đó, chẳng hạn như: nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán trong việc lập hồ sơ vụ án, trong việc hòa giải vụ án, trong việc điều hành phiên tòa…

Những người tiến hành tố tụng, không phải với tư cách tham gia tố tụng dân sự của đương sự
Những người tiến hành tố tụng, không phải với tư cách tham gia tố tụng dân sự của đương sự

3.4. Hội thẩm nhân dân

Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân đều là những người tiến hành tố tụng thực hiện nhiệm vụ giải quyết các vụ án dân sự, nhưng địa vị pháp lý của họ có nhiều điểm khác nhau. Nếu như Thẩm phán là cán bộ của Tòa án chuyên làm nhiệm vụ xét xử thì Hội thẩm là đại diện của nhân dân tham gia xét xử, họ không phải là người xét xử chuyên nghiệp, không tham gia giải quyết tất cả các vụ việc dân sự và không tham gia vào tất cả các giai đoạn tố tụng như Thẩm phán.

Hội thẩm nhân dân không thuộc biên chế của Tòa án mà do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra theo nhiệm kỳ. Theo pháp luật hiện hành, Hội thẩm nhân dân chỉ tham gia xét xử đối với các vụ án dân sự tại phiên tòa sơ thẩm, không tham gia giải quyết việc dân sự, cũng như không tham gia Hội đồng xét xử phúc thẩm. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội thẩm nhân dân bao gồm: nghiên cứu hồ sơ vụ án trước khi mở phiên tòa; đề nghị Chánh án Tòa án, Thẩm phán ra các quyết định cần thiết thuộc thẩm quyền; tham gia xét xử các vụ án dân sự, tiến hành các hoạt động tố tụng và biểu quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử khi xét xử vụ án dân sự.

3.5. Thư ký Tòa án

Thư ký Tòa án là người tiến hành tố tụng dân sự với nhiệm vụ hỗ trợ cho hoạt động xét xử của Tòa án. Tư cách tham gia tố tụng dân sự của thư ký là giúp Thẩm phán trong quá trình lập hồ sơ và chuẩn bị xét xử, chuẩn bị các công tác nghiệp vụ cần thiết trước khi mở phiên tòa, giúp việc cho Thẩm phán và Hội đồng xét xử và ghi biên bản phiên tòa, không được tự mình tiến hành các biện pháp thu thập chứng cứ và hòa giải giữa các đương sự.

3.6. Viện trưởng Viện kiểm sát

Viện trưởng Viện kiểm sát là người tiến hành tố tụng đứng đầu Viện Kiểm sát, tổ chức và chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Viện Kiểm sát. Trong Tố tụng dân sự, Viện trưởng Viện kiểm sát có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: tổ chức và chỉ đạo thực hiện công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng dân sự; quyết định phân công Kiểm sát viên thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng, tham gia phiên tòa xét xử vụ án dân sự, phiên họp giải quyết việc dân sự; kiểm tra hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng của Kiểm sát viên; quyết định thay đổi Kiểm sát viên; kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

3.7. Kiểm sát viên

Trong Tố tụng dân sự, Kiểm sát viên là người tiến hành tố tụng được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật để kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giải quyết các vụ việc dân sự và thi hành án dân sự. Kiểm sát viên khi được phân công thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng dân sự có những nhiệm vụ, quyền hạn chủ yếu là: kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, giải quyết việc dân sự của Tòa án; kiểm sát việc tuân theo pháp luật của những người tham gia tố tụng; kiểm sát các bản án, quyết định của Tòa án; tham gia phiên tòa xét xử vụ án dân sự, phiên họp giải quyết việc dân sự theo quy định của pháp luật và phát biểu ý kiến của Viện Kiểm sát về việc giải quyết vụ việc dân sự.

Bạn đọc cùng quan tâm: Cách viết mẫu bản tự khai trong tố tụng dân sự đúng quy định

4. Tư cách tham gia tố tụng của đương sự trong tố tụng dân sự

Đương sự là một loại chủ thể không thể thiếu của tố tụng dân sự. Theo pháp luật tố tụng dân sự hiện hành, đương sự là người tham gia Tố tụng dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc bảo vệ lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng.

Đương sự trong vụ án dân sự bao gồm: nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Đương sự trong vụ án dân sự chính là người tham gia tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách do có quyền, nghĩa vụ liên quan đến vụ việc dân sự. Việc xác định tư cách tham gia tố tụng dân sự của các đương sự giúp cho quyền và lợi ích của các bên được đảm bảo.

4.1. Xác định tư cách nguyên đơn

Theo quy định tại khoản 2 Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì nguyên đơn trong vụ án dân sự là: “..người khởi kiện, người được cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm.

Cơ quan, tổ chức do Bộ luật này quy định khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách cũng là nguyên đơn.”

Như vậy, nguyên đơn trong vụ án dân sự không những chỉ là người khởi kiện hay người được cá nhân, cơ quan, tổ chức do Bộ luật tố tụng dân sự quy định khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị xâm phạm mà nguyên đơn trong vụ án dân sự còn là cơ quan, tổ chức khởi kiện để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích Nhà nước thuộc lĩnh vực mà mình phụ trách. Việc tham gia tố tụng của nguyên đơn mang tính chủ động hơn so với các đương sự khác. Hoạt động tố tụng của nguyên đơn có thể dẫn đến việc làm phát sinh, thay đổi hay đình chỉ tố tụng.

So với các đương sự khác, việc tham gia tố tụng của nguyên đơn mang tính chủ động hơn, bởi nguyên đơn là người khởi xướng quá trình tố tụng bằng hành vi khởi kiện, và các hành vi tố tụng tiếp theo của nguyên đơn có thể làm thay đổi, chấm dứt quá trình tố tụng như thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện, rút đơn khởi kiện…

4.2. Xác định tư cách bị đơn

Theo quy định tại khoản 3 Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì

“Bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc bị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm”.

Như vậy, để được xác định tư cách tham gia tố tụng dân sự, bị đơn cần có các đặc điểm sau:

  • Là người bị nguyên đơn hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự khởi kiện.
  • Bị đơn là người được giả thiết là có tranh chấp hay xâm phạm đến quyền lợi của nguyên đơn.

Bị đơn tham gia tố tụng để trả lời về việc kiện nên việc tham gia tố tụng của bị đơn mang tính bắt buộc chứ không chủ động như nguyên đơn. Vì vậy, pháp luật tố tụng dân sự quy định những bảo đảm nhất định cho việc tham gia tố tụng của bị đơn để ngăn ngừa việc lạm dụng khởi kiện của nguyên đơn gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống hoặc công việc của bị đơn.

Mặc dù việc tham gia tố tụng của bị đơn mang tính bị động hơn so với việc tham gia tố tụng của nguyên đơn, nhưng hoạt động tố tụng của bị đơn cũng có thể làm thay đổi diễn biến quá trình tố tụng, như việc bị đơn đưa ra yêu cầu phản tố, thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu phản tố, kháng cáo bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật…

4.3. Xác định tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan

Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định:

“Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự đã phát sinh giữa nguyên đơn và bị đơn có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ, và cần phải đưa họ vào tham gia tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ cũng như để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án dân sự được đúng đắn, chính xác, toàn diện và triệt để. Việc tham gia tố tụng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có thể do họ chủ động đề nghị Tòa án đưa họ vào với tư cách là đương sự, hoặc trên cơ sở để nghị của đương sự khác, hoặc do Tòa án tự mình xác định khi lập hồ sơ vụ án.

4.4. Tư cách tham gia tố tụng dân sự của đương sự trong việc dân sự

Đương sự trong việc dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm người yêu cầu giải quyết việc dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

* Người yêu cầu giải quyết việc dân sự

Theo khoản 5 Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định:

“Người yêu cầu giải quyết việc dân sự là người yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý làm căn cứ phát sinh quyền, nghĩa vụ về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của mình hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; yêu cầu Tòa án công nhận cho mình quyền về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.”

Người yêu cầu là người trực tiếp nộp đơn đến Tòa án, đề nghị công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý nhất định, làm cơ sở phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của chính họ hoặc của người khác trong các lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.

Người yêu cầu phải có năng lực hành vi tố tụng dân sự phù hợp, và có đầy đủ căn cứ hợp pháp để chứng minh yêu cầu là có cơ sở.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc dân sự

Theo khoản 6 Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, đây là những cá nhân, cơ quan, tổ chức không trực tiếp yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự, nhưng việc giải quyết đó có thể ảnh hưởng đến quyền lợi, nghĩa vụ hợp pháp của họ.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có tư cách tham gia tố tụng dân sự trong hai trường hợp:

  • Tự mình đề nghị hoặc được người yêu cầu chính đề nghị, và được Tòa án chấp nhận tham gia với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
  • Trường hợp không có ai đề nghị, nhưng Tòa án xét thấy việc giải quyết việc dân sự có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của một người nào đó, thì Tòa án có trách nhiệm chủ động đưa người đó vào tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Việc đưa đầy đủ các đương sự tham gia tố tụng không chỉ nhằm đảm bảo tính khách quan, toàn diện của quá trình giải quyết mà còn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên theo đúng nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Mọi người cùng quan tâm: Quy định pháp luật về năng lực hành vi tố tụng dân sự

Tư cách tham gia tố tụng dân sự trong vụ việc dân sự là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm xác định đúng chủ thể có quyền và nghĩa vụ trong quá trình giải quyết các yêu cầu dân sự tại Tòa án. Việc xác định đầy đủ người yêu cầu và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan góp phần đảm bảo tính khách quan, toàn diện và hợp pháp trong hoạt động xét xử. Đặc biệt, cơ chế cho phép Tòa án chủ động đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào tố tụng thể hiện tính linh hoạt và trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên. Việc áp dụng đúng chế định này không chỉ bảo đảm hiệu quả giải quyết việc dân sự mà còn góp phần nâng cao chất lượng xét xử và củng cố niềm tin vào tư pháp.

Công ty Luật TNHH META LAW

META LAW SẴN SÀNG TƯ VẤN

Nếu bạn đang cần tư vấn pháp lý, hãy đặt câu hỏi. META LAW luôn sẵn sàng tư vấn và sẽ gọi lại cho bạn sau ít phút...





    Chia sẻ bài viết:  
    Đánh giá bài viết