Tố tụng dân sự là gì? Người tham gia tố tụng dân sự theo pháp luật hiện hành

Bộ luật tố tụng dân sự là bộ luật quan trọng, là luật hình thức điều chỉnh các quan hệ pháp luật trong thực hiện quá trình tố tụng. META Law Firm sẽ giúp bạn giải đáp một số thắc mắc liên quan đến khái niệm tố tụng dân sự là gì, luật tố tụng dân sự, đối tượng điều chỉnh, phương pháp điều chỉnh của luật tố tụng dân sự và đương sự, những người tham gia tố tụng dân sự trong vụ việc dân sự theo pháp luật hiện hành.

1. Tố tụng dân sự là gì?

1.1. Khái niệm tố tụng dân sự và luật tố tụng dân sự

Khái niệm tố tụng dân sự là trình tự do pháp luật quy định cho việc giải quyết vụ việc dân sự và thi hành án dân sự.

Luật tố tụng dân sự là một ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Bao gồm hệ thống các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong quá trình tố tụng, để đảm bảo giải quyết vụ việc dân sự và thi hành án dân sự nhanh chóng, đúng đắn. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức và lợi ích Nhà nước.

Bộ luật Tố tụng dân sự (hiện hành) (sửa đổi, bổ sung năm 2019, 2020, 2022, 2023)
Luật tố tụng dân sự gồm hệ thống các quy phạm pháp luật để đảm bảo giải quyết vụ việc dân sự

1.2. Đối tượng điều chỉnh của luật tố tụng dân sự

Đối tượng điều chỉnh của luật tố tụng dân sự Việt Nam là các quan hệ giữa Tòa án, viện kiểm sát, cơ quan thi hành án, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch và người liên quan phát sinh trong tố tụng dân sự.

1.3. Phương pháp điều chỉnh của luật tố tụng dân sự

Phương pháp điều chỉnh của luật tố tụng dân sự là tổng hợp những cách thức mà luật tố tụng dân sự tác động lên các quan hệ xã hội thuộc đối tượng điều chỉnh của nó. Phương pháp điều chỉnh của luật tố tụng dân sự là phương pháp mệnh lệnh và phương pháp định đoạt.

Phương pháp mệnh lệnh được sử dụng vì luật tố tụng dân sự quy định địa vị của các chủ thể trong quan hệ tố tụng dân sự không giống nhau. Trong đó, Tòa án, cơ quan thi hành án, viện kiểm sát có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, giải quyết vụ việc dân sự, tổ chức thi hành án dân sự và kiểm sát các hoạt động tố tụng. Ngược lại, các chủ thể khác phải phục tùng và thực hiện các quyết định có giá trị bắt buộc, nếu không sẽ bị cưỡng chế thực hiện.

Phương pháp định đoạt là việc các đương sự tự quyết định việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước tòa án. Điều này xuất phát từ việc các vụ việc dân sự đa số là trong quan hệ pháp luật dân sự, tức các chủ thể có tự do, tự nguyện, thể hiện ý chí của mình.

2. Đương sự, người tham gia tố tụng dân sự theo pháp luật hiện hành

Khác với khái niệm Tố tụng dân sự, Đương sự, người tham gia tố tụng dân sự là những cá nhân, cơ quan tổ chức có quyền và nghĩa vụ liên quan trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, vụ việc dân sự tại tòa án.

2.1. Đương sự, người tham gia tố tụng dân sự trong vụ án dân sự

Vụ án dân sự là việc giải quyết tranh chấp về các vấn đề dân sự giữa cá nhân, tổ chức này với cá nhân, tổ chức khác. Theo Khoản 1 Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015: “Đương sự trong vụ án dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”. Theo đó, người tham gia tố tụng dân sự bao gồm:

– Nguyên đơn trong tố tụng dân sự là người khởi kiện, người được cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm.

– Bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc bị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm.

– Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Đương sự, người tham gia tố tụng dân sự trong vụ án dân sự
Khái niệm Đương sự, người tham gia tố tụng dân sự trong vụ án dân sự (Ảnh minh họa)

2.2. Đương sự, người tham gia tố tụng dân sự trong việc dân sự

Việc dân sự là việc riêng của cá nhân, tổ chức, không có nguyên đơn, bị đơn mà chỉ có người yêu cầu Tòa án giải quyết, từ yêu cầu của đương sự, Tòa án công nhận quyền và nghĩa vụ cho họ. Đương sự, người tham gia tố tụng trong vụ việc dân sự bao gồm:

Người yêu cầu giải quyết việc dân sự là người yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý làm căn cứ phát sinh quyền, nghĩa vụ về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của mình hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; yêu cầu Tòa án công nhận cho mình quyền về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc dân sự là người tuy không yêu cầu giải quyết việc dân sự nhưng việc giải quyết việc dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc đương sự trong việc dân sự đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

2.3. Những người tham gia tố tụng dân sự khác

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là người tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Người làm chứng là người biết các tình tiết có liên quan đến nội dung vụ việc được đương sự đề nghị, Tòa án triệu tập tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng. Người mất năng lực hành vi dân sự không thể là người làm chứng.

Người giám định là người có kiến thức, kinh nghiệm cần thiết theo quy định của pháp luật về lĩnh vực có đối tượng cần giám định mà Tòa án trưng cầu giám định hoặc được đương sự yêu cầu giám định theo quy định tại Điều 102 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

Người phiên dịch là người có khả năng dịch từ một ngôn ngữ khác ra tiếng Việt và ngược lại trong trường hợp có người tham gia tố tụng không sử dụng được tiếng Việt. Người phiên dịch được một bên đương sự lựa chọn hoặc các bên đương sự thỏa thuận lựa chọn và được Tòa án chấp nhận hoặc được Tòa án yêu cầu để phiên dịch.

Người đại diện trong tố tụng dân sự bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền. Người đại diện có thể là cá nhân hoặc pháp nhân theo quy định của Bộ luật dân sự.

Mời bạn cùng tìm hiểu thêm những bài viết hữu ích khác từ META Law Firm

Trên đây là một số thông tin liên quan giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về khái niệm tố tụng dân sự là gì, luật tố tụng dân sự, đối tượng điều chỉnh, phương pháp điều chỉnh của luật tố tụng dân sự và đương sự, những người tham gia tố tụng dân sự trong vụ việc dân sự theo pháp luật hiện hành. Nếu bạn còn những câu hỏi cần được giải đáp, hãy liên hệ đến Công ty Luật TNHH META LAW để được hỗ trợ nhanh chóng và chính xác.

  • Địa chỉ: Tầng 5, số 137 Hoàng Quốc Việt, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
  • Hotline: 0869.898.809
  • Website: https://metaasia.vn
  • Email: tuvanmeta@gmail.com
Công ty Luật TNHH META LAW

META LAW SẴN SÀNG TƯ VẤN

Nếu bạn đang cần tư vấn pháp lý, hãy đặt câu hỏi. META LAW luôn sẵn sàng tư vấn và sẽ gọi lại cho bạn sau ít phút...





    Chia sẻ bài viết:  
    5/5 - (1 bình chọn)