Giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài ?

Cùng với xu thế toàn cầu hóa và hội nhập, sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam trong những năm qua đã thu hút một số lượng lớn các thương nhân nước ngoài đến Việt Nam đầu tư, kinh doanh. Quá trình hợp tác không thể tránh khỏi phát sinh các tranh chấp. Hầu hết các thương nhân nước ngoài đều mong muốn giải quyết tranh chấp bằng con đường trọng tài thương mại thay vì tòa án. Vậy phương thức giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài là gì?

1. Giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài là gì ?

Giải quyết tranh chấp thương mại bằng Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết thông qua hoạt động của Trọng tài viên với tư cách là bên thứ ba độc lập nhằm chấm dứt các xung đột bằng việc đưa ra phán quyết trọng tài buộc các bên tôn trọng và thực hiện.

2. Các hình thức trọng tài

*Trọng tài vụ việc
Trọng tài vụ việc là hình thức trọng tài xuất hiện sớm nhất, được sử dụng rộng rãi ở các nước trên thế giới. Pháp luật về trọng tài của các nước trên thế giới đều ghi nhận sự tồn tại của hình thức trọng tài này. Tuy nhiên, quy định của pháp luật các nước về hình thức trọng tài này cũng ở mức độ sâu, rộng khác nhau.
Trọng tài vụ việc là hình thức giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2010 và trình tự, thủ tục do các bên thỏa thuận.

Đặc điểm của trọng tài vụ việc
– Thứ nhất, trọng tài vụ việc chỉ được thành lập khi phát sinh tranh chấp và tự chấm dứt hoạt động (tự giải thể) khi giải quyết xong tranh chấp. Tính chất “vụ việc” hay “lâm thời” của hình thức trọng tài này thể hiện ở chỗ, trọng tài chỉ được thành lập theo thỏa thuận của các bên tranh chấp để giải quyết vụ tranh chấp cụ thể giữa các bên. Hình thức trọng tài này chỉ tồn tại và hoạt động trong thời gian giải quyết vụ tranh chấp giữa các bên, khi giải quyết xong vụ tranh chấp trọng tài tự chấm dứt hoạt động.
– Thứ hai, trọng tài vụ việc không có trụ sở thường trực, không có bộ máy điều hành (vì chỉ được thành lập để giải quyết vụ tranh chấp theo sự thỏa thuận của các bên) và không có danh sách Trọng tài viên riêng.
Trọng tài viên được các bên chọn hoặc được chỉ định có thể là người có tên trong hoặc ngoài danh sách Trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài.
– Thứ ba, trọng tài vụ việc không có quy tắc tố tụng riêng.
Trọng tài vụ việc chỉ được các bên thành lập khi phát sinh tranh chấp nên quy tắc tố tụng để giải quyết vụ tranh chấp phải được các bên thỏa thuận xây dựng. Tuy nhiên, để tránh lãng phí thời gian cũng như công sức đầu tư vào việc xây dựng quy tắc tố tụng, các bên tranh chấp có thể thỏa thuận lựa chọn bất kì một quy tắc tố tụng phổ biến nào (thông thường là quy tắc tố tụng của các Trung tâm Trọng tài có uy tín ở trong nước và quốc tế).

*Trọng tài quy chế

Theo pháp luật Việt Nam, Trọng tài quy chế được tổ chức dưới dạng các Trung tâm trọng tài. Trung tâm trọng tại là tổ chức phi chính phủ, có tư cách pháp nhân, có con dấu, có tài khoản riêng và trụ sở giao dịch ổn định.
Trọng tài quy chế là hình thức giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài theo quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2010 và quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài đó.
Đặc điểm của trọng tài quy chế:
– Thứ nhất, Trọng tài quy chế được tổ chức dưới hình thức các Trung tâm trọng tài. Trung tâm trọng tài là tổ chức phi chính phủ, không nằm trong hệ thống cơ quan nhà nước.

– Thứ hai, các Trung tâm trọng tài có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng tồn tại độc lập với nhau. Trung tâm trọng tài là tổ chức có tư cách pháp nhân, đáp ứng đầy đủ các điều kiện của pháp nhân quy định tại Điều 74 Bộ luật dân sự năm 2015

– Thứ ba, tổ chức và quản lí ở các Trung tâm trọng tài đơn giản, gọn nhẹ. Trung tâm trọng tài có Ban điều hành và Ban thư kí. Cơ cấu, bộ máy của Trung tâm trọng tài do điều lệ của Trung tâm quy định. Ban điều hành Trung tâm trọng tài gồm có Chủ tịch, một hoặc các Phó Chủ tịch, có thể có Tổng thư kí do Chủ tịch Trung tâm trọng tài cử. Chủ tịch Trung tâm trọng tài là Trọng tài viên. Trung tâm trọng tài có danh sách Trọng tài viên. Các Trọng tài viên tham gia vào việc giải quyết tranh chấp khi được chọn hoặc chỉ định.

– Thứ tư, mỗi Trung tâm trọng tài tự quyết định về lĩnh vực hoạt động và có quy tắc tố tụng riêng. Mỗi Trung tâm trọng tài tự xác định về lĩnh vực hoạt động của mình tùy thuộc vào khả năng chuyên môn của đội ngũ Trọng tài viên và phải được ghi rõ trong Điều lệ của Trung tâm trọng tài. Trong quá trình hoạt động, các Trung tâm trọng tài có quyền mở rộng hoặc thu hẹp phạm vi lĩnh vực hoạt động, nhưng phải được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Điều kiện giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài

Theo Điều 5 Luật trọng tài thương mại 2010,  giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài cần đáp ứng những điều kiện sau đây:

– Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.

– Trường hợp một bên tham gia thoả thuận trọng tài là cá nhân chết hoặc mất năng lực hành vi, thoả thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với người thừa kế hoặc người đại diện theo pháp luật của người đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

– Trường hợp một bên tham gia thỏa thuận trọng tài là tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức, thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với tổ chức tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của tổ chức đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

Nguồn tham khảo: https://htpldn.moj.gov.vn/Pages/chi-tiet-tin.aspx?ItemID=1911&l=Nghiencuutraodoi

Công ty Luật TNHH META LAW

🏠 Địa chỉ: Tầng 5, số 137 Hoàng Quốc Việt, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.

🌐 Web: https://metaasia.vn/

☎️ Hotline tư vấn: 0869.898.809

✉️Email: tuvanmeta@gmail.com