Quy định về định giá tài sản trong tố tụng dân sự
Định giá tài sản trong tố tụng dân sự là một vấn đề pháp lý quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình và kết quả giải quyết các tranh chấp tài sản giữa các bên. Quy định này đảm bảo xác định giá trị tài sản một cách công bằng, minh bạch; hơn nữa còn đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp chi tiết về các quy định pháp lý và quy trình thực hiện định giá tài sản trong tố tụng dân sự, giúp bạn nắm bắt rõ hơn về các bước và yêu cầu cần thiết để đảm bảo tính chính xác và minh bạch trong việc định giá tài sản tranh chấp.
Nội dung chính:
1. Trường hợp nào phải thực hiện định giá tài sản trong tố tụng dân sự?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 104 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định thì Tòa án ra quyết định định giá tài sản đối với một trong các trường hợp sau:
- Khi có yêu cầu của một hoặc các bên đương sự trong vụ án tranh chấp dân sự;
- Các đương sự không thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản hoặc đưa ra giá tài sản khác nhau hoặc không thỏa thuận được giá tài sản;
- Các bên thỏa thuận với nhau hoặc với tổ chức thẩm định giá tài sản theo mức giá thấp so với giá thị trường nơi có tài sản định giá tại thời điểm định giá nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba hoặc có căn cứ cho thấy tổ chức thẩm định giá tài sản đã vi phạm pháp luật khi thẩm định giá.
Như vậy, trong quá trình giải quyết tranh chấp dân sự, Tòa án sẽ ra quyết định định giá tài sản và thành lập Hội đồng định giá nếu có yêu cầu của một bên đương sự trong vụ án.
2. Quy trình thực hiện định giá tài sản trong tố tụng dân sự
Bước 1: Xác định căn cứ định giá tài sản tranh chấp theo quy định tại Mục 1 nêu trên.
Bước 2: Tòa án thành lập Hội đồng định giá, định giá tài sản theo khoản 4 Điều 104 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Trong đó:
- Chủ tịch Hội đồng định giá là đại diện cơ quan tài chính;
- Thành viên hội đồng định giá tài sản trong tố tụng dân sự là đại diện các cơ quan chuyên môn có liên quan;
- Trong trường hợp cần thiết, đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có tài sản định giá được mời chứng kiến việc định giá.
Để buổi định giá tài sản diễn ra đảm bảo tính công bằng, minh bạch thì một số đối tượng không được tham gia Hội đồng định giá, cụ thể:
- Người đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó
- Người tham gia đồng thời là đương sự, người đại diện, người thân thích của đương sự
- Người đã tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch trong cùng vụ việc đó.
- Có căn cứ rõ ràng cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.
Buổi định giá phải được thông báo trước về thời gian, địa điểm tiến hành định giá, đương sự có quyền tham dự và phát biểu ý kiến về định giá. Hội đồng định giá là cơ quan có quyền quyết định về giá đối với tài sản định giá.
Bước 3: Tiến hành định giá tài sản.
Việc định giá tài sản phải đảm bảo các điều kiện sau đây:
- Hội đồng định giá chỉ tiến hành định giá khi có mặt đầy đủ các thành viên của Hội đồng.
- Việc định giá phải được lập biên bản, trong đó ghi rõ ý kiến của từng thành viên, đương sự nếu họ tham dự.
- Quyết định của Hội đồng định giá phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành.
- Các thành viên Hội đồng định giá, đương sự, người chứng kiến ký tên hoặc điểm chỉ vào biên bản.
3. Chi phí định giá tài sản trong tố tụng dân sự
Chi phí định giá tài sản là số tiền cần thiết, hợp lý phải chi trả cho công việc định giá do Hội đồng định giá, tổ chức định giá tài sản tính căn cứ vào quy định của Pháp lệnh số: 02/2012/UBTVQH13 và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Theo Điều 9 Nghị định 81/2014/NĐ-CP Chi phí này được xác định như sau:
Căn cứ tính chất của đối tượng định giá, chi phí định giá tài sản của tổ chức định giá tài sản và Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng bao gồm một hoặc một số chi phí sau đây:
- Chi phí tiền lương, thù lao cho người thực hiện định giá.
- Chi phí thu thập, phân tích thông tin về đối tượng cần định giá.
- Chi phí vật tư tiêu hao.
- Chi phí sử dụng dịch vụ.
- Chi phí khác theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 12 Nghị định này.
Chi phí thẩm định giá tài sản là số tiền cần thiết, hợp lý phải chi trả cho công việc thẩm định giá do Tổ chức thẩm định giá tính theo quy định của Pháp lệnh này và quy định của pháp luật về giá.
4. Nghĩa vụ thanh toán chi phí định giá tài sản trong tố tụng dân sự
Căn cứ theo Điều 165 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ chịu chi phí định giá tài sản, thẩm định giá cụ thể như sau:
Trường hợp các bên đương sự không có thỏa thuận khác hoặc pháp luật không có quy định khác thì nghĩa vụ chịu chi phí định giá tài sản, thẩm định giá được xác định như sau:
- Đương sự phải chịu chi phí định giá tài sản nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận.
- Trường hợp yêu cầu Tòa án chia tài sản chung thì mỗi người được chia tài sản phải chịu phần chi phí định giá tài sản tương ứng với tỷ lệ giá trị phần tài sản mà họ được chia.
- Trường hợp Tòa án ra quyết định định giá tài sản quy định tại điểm C khoản 3 Điều 104 của Bộ luật này thì nghĩa vụ chịu chi phí định giá tài sản được xác định như sau:
Đương sự phải chịu chi phí định giá tài sản quy định tại khoản 1 Điều này nếu kết quả định giá chứng minh quyết định định giá tài sản của Tòa án là có căn cứ;
Tòa án trả chi phí định giá tài sản nếu kết quả định giá tài sản chứng minh quyết định định giá tài sản của Tòa án là không có căn cứ.
- Trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217, điểm b khoản 1 Điều 299 của Bộ luật này và Hội đồng định giá đã tiến hành định giá thì nguyên đơn phải chịu chi phí định giá tài sản.
Trường hợp đình chỉ giải quyết việc xét xử phúc thẩm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 289, khoản 3 Điều 296 của Bộ luật này và Hội đồng định giá đã tiến hành định giá thì người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải chịu chi phí định giá tài sản.
- Các trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án khác theo quy định của Bộ luật này và Hội đồng định giá đã tiến hành định giá thì người yêu cầu định giá tài sản phải chịu chi phí định giá tài sản.
- Nghĩa vụ chịu chi phí thẩm định giá tài sản của đương sự được thực hiện như nghĩa vụ chịu chi phí định giá tài sản quy định tại các khoản 1, 2, 4 và 5 Điều này.
Như vậy, các bên đương sự có thể tự thỏa thuận về việc chịu chi phí định giá tài sản, trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì nghĩa vụ chịu chi phí định giá tài sản sẽ được thực hiện theo quy định trên.
Với tầm quan trọng của định giá tài sản trong tố tụng dân sự, việc nắm rõ các quy định về vấn đề này là vô cùng cần thiết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của quý khách. Nếu quý khách hàng cần tư vấn chi tiết hoặc hỗ trợ trong việc thực hiện định giá tài sản, hay các vấn đề liên quan khác đừng ngần ngại hãy liên hệ ngay Văn phòng Luật sư Meta Law qua Hotline: 0869.898.809 hoặc liên hệ trực tiếp tại Tầng 5, số 137 Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, Hà Nội. Meta Law cam kết cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, giúp quý khách hàng giải quyết mọi vấn đề pháp lý một cách nhanh chóng và hiệu quả.
META LAW SẴN SÀNG TƯ VẤN
Nếu bạn đang cần tư vấn pháp lý, hãy đặt câu hỏi. META LAW luôn sẵn sàng tư vấn và sẽ gọi lại cho bạn sau ít phút...