Cây xanh đổ gây thiệt hại tài sản: Ai chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại?
Sau khi cơn bão số 3 (Yagi) đi qua, các tỉnh phía Bắc như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội đã chịu nhiều thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và tính mạng con người. Hình ảnh cây cối bị đổ, từ những cây cổ thụ lâu năm đến cây vừa trồng, gây thiệt hại cho các công trình và phương tiện giao thông. Nhiều người đặt câu hỏi: “Trong trường hợp cây xanh đổ gây thiệt hại tài sản, ai là người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại?”
-
Cây xanh ngã đổ gây thiệt hại có thuộc trách nhiệm bồi thường của nhà nước không?
Theo Điều 1 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 về phạm vi điều chỉnh thì: “Luật này quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án; thiệt hại được bồi thường; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại; cơ quan giải quyết bồi thường; thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường; phục hồi danh dự; kinh phí bồi thường; trách nhiệm hoàn trả; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác bồi thường nhà nước.”
Căn cứ theo Điều 2 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 về đối tượng được bồi thường là cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần do người thi hành công vụ gây ra thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được quy định tại Luật này.
Do đó, việc cây xanh ngã đổ gây thiệt hại không nằm trong phạm vi trách nhiệm bồi thường của nhà nước vì nó không phải do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án. Mà việc bồi thường do cây xanh trên đường ngã gây thiệt hại là một dạng bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
-
Trách nhiệm bồi thường khi cây xanh đổ gây thiệt hại tài sản
Theo quy định tại Điều 584 và Điều 604 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
“Điều 584.Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
- Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
- Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
- Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.”
Điều 604. Bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra
“Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra.”
Do đó, chủ sở hữu, người chiếm hữu hoặc người quản lý cây cối phải chịu trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên, cần xác định rõ đối tượng chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật, bao gồm cơ quan, đơn vị, tổ chức hoặc cá nhân được giao quản lý cây xanh theo Điều 3, 20, 21, 22 và 23 Nghị định 64/2010/NĐ-CP về quản lý cây xanh đô thị. Theo đó, cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân quản lý cây xanh có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do cây cối trên địa bàn quản lý gây ra.
-
Trường hợp không được bồi thường thiệt hại do cây xanh ngã, đổ
Người bị thiệt hại không phải lúc nào cũng được bồi thường. Theo Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định: “Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.”
Đồng thời, tại khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự, giải thích sự kiện bất khả kháng như sau: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.”
Do đó, nếu cây xanh ngã, đổ gây thiệt hại, người bị thiệt hại sẽ không được bồi thường nếu thiệt hại do lỗi của họ (ví dụ: để tài sản sai quy định hoặc lái xe lên vỉa hè bị cây đổ đè), hoặc do sự kiện bất khả kháng theo quy định tại Điều 584 và Điều 156 Bộ luật Dân sự.
Để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại, cần xem xét liệu cơ quan quản lý cây xanh đã thực hiện đúng các biện pháp phòng ngừa theo quy định (ví dụ: cắt tỉa cây trước dự báo mưa bão, chặt hạ cây nguy hiểm theo Điều 11 Nghị định 64/2010/NĐ-CP về quy định chung về trồng, chăm sóc cây xanh đô thị). Nếu đã thực hiện đầy đủ các biện pháp nhưng thiệt hại vẫn xảy ra, đó có thể được coi là sự kiện bất khả kháng và không cần bồi thường. Ngược lại, nếu cơ quan quản lý không thực hiện các biện pháp cần thiết, họ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo Điều 604 Bộ luật Dân sự 2015, trừ khi có thỏa thuận khác.
Vì vậy, khi cây xanh đổ gây thiệt hại tài sản, người quản lý cây xanh (thường là các đơn vị quản lý công viên cây xanh, cơ quan quản lý đô thị) có trách nhiệm bồi thường, trừ trường hợp bất khả kháng hoặc lỗi của người bị thiệt hại.
Trên đây là những giải đáp của Công ty Luật TNHH Meta Law về vấn đề bồi thường thiệt hại khi cây xanh gãy đổ. Để được tư vấn thêm thông tin chi tiết Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp với Meta Law theo thông tin sau:
Công ty Luật TNHH META LAW
🏠 Địa chỉ: Tầng 5, số 137 Hoàng Quốc Việt, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.
🌐 Web: https://metaasia.vn/
☎️ Hotline tư vấn: 0869.898.809
✉️Email: tuvanmeta@gmail.com
Biên tập: Huyền