Tranh chấp hợp đồng dân sự: Những vấn đề pháp lý cốt lõi

Trong bối cảnh đời sống xã hội và kinh tế ngày càng phát triển, hợp đồng dân sự trở thành công cụ pháp lý quan trọng trong xác lập, thực hiện các giao dịch giữa cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, không phải lúc nào hợp đồng cũng được thực hiện suôn sẻ; nhiều trường hợp phát sinh tranh chấp do nhiều nguyên nhân khác nhau, dẫn đến rủi ro cho các bên. Tranh chấp hợp đồng dân sự vì thế trở thành một vấn đề pháp lý nổi bật, đòi hỏi các chủ thể liên quan phải hiểu rõ quy định pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Trong bài viết này, Luật sư Mai Văn Xuân sẽ cùng bạn tìm hiểu các vấn đề pháp lý xoay quanh tranh chấp về hợp đồng dân sự, bao gồm: cách thức giải quyết tranh chấp, thẩm quyền giải quyết và thời hiệu khởi kiện, nhằm giúp bạn có cái nhìn tổng quan và chuẩn bị tốt hơn nếu tranh chấp xảy ra.

1. Hợp đồng dân sự là gì?

Khái niệm Hợp đồng dân sự là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự theo quy định của pháp luật dân sự.

  • Nội dung hợp đồng: Bao gồm các nội dung cơ bản được quy định tại Điều 398 Bộ luật dân sự 2015 như sau: Đối tượng của hợp đồng; Số lượng, chất lượng; Giá, phương thức thanh toán; Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng; Quyền, nghĩa vụ của các bên; Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng và Phương thức giải quyết tranh chấp (Các bên trong hợp đồng có quyền thỏa thuận về nội dung trong hợp đồng).
  • Hình thức hợp đồng: Có thể bằng lời nói, văn bản hoặc hành vi cụ thể, trừ trường hợp pháp luật quy định phải bằng văn bản hoặc có công chứng, chứng thực.
Tranh chấp hợp đồng dân sự
Khái niệm Tranh chấp hợp đồng dân sự và Những vấn đề pháp lý cốt lõi

2. Thế nào là tranh chấp hợp đồng dân sự?

Tranh chấp hợp đồng dân sự là mâu thuẫn, xung đột  phát sinh giữa các bên trong quá trình giao kết, thực hiện hoặc chấm dứt hợp đồng dân sự, liên quan đến quyền và nghĩa vụ pháp lý mà các bên đã thỏa thuận hoặc được pháp luật quy định.

Tranh chấp thường xuất hiện khi một bên không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết, từ đó xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên còn lại. Bản chất của tranh chấp hợp đồng dân sự là sự đối lập về lợi ích, có thể liên quan trực tiếp đến tài sản, quyền nghĩa vụ đã được thỏa thuận, hoặc những vấn đề pháp lý khác mà pháp luật điều chỉnh.

Mời bạn đọc thêm: Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là gì? Đặc điểm và các nguyên tắc bồi thường?

3. Các dạng tranh chấp hợp đồng dân sự phổ biến

  • Tranh chấp về việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng: Một bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết (VD: chậm giao hàng, giao hàng không đúng chất lượng…).
  • Tranh chấp về quyền lợi: Mâu thuẫn liên quan đến việc phân chia, sử dụng hoặc hưởng quyền lợi theo hợp đồng.
  • Tranh chấp về hiệu lực của hợp đồng: Xảy ra khi một bên cho rằng hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều kiện có hiệu lực như năng lực chủ thể, mục đích, hình thức…
  • Tranh chấp liên quan đến việc đơn phương chấm dứt hợp đồng: Một bên tự ý chấm dứt hợp đồng mà không có lý do hợp pháp, gây thiệt hại cho bên còn lại.
  • Tranh chấp về bồi thường thiệt hại: Khi hành vi vi phạm hợp đồng gây thiệt hại vật chất hoặc tinh thần cho bên kia, dẫn đến yêu cầu bồi thường.
  • Tranh chấp về thời hạn thực hiện hợp đồng: Các bên không thống nhất được thời điểm bắt đầu hoặc kết thúc nghĩa vụ, dẫn đến khiếu kiện.

4. Giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự

4.1. Phương thức giải quyết tranh chấp

Phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng là cách thức hoặc cơ chế mà các bên lựa chọn hoặc được pháp luật quy định nhằm xử lý, giải quyết những mâu thuẫn, xung đột phát sinh từ việc giao kết, thực hiện hoặc chấm dứt hợp đồng.

Các phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng phổ biến hiện nay bao gồm:

  • Thương lượng là quá trình các bên tranh chấp chủ động gặp gỡ, bàn bạc, trao đổi và thỏa thuận để giải quyết mâu thuẫn, bất đồng phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng mà không cần sự can thiệp của bên thứ ba.
  • Hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp trong đó các bên tranh chấp chủ động nhờ đến bên thứ ba trung lập (hòa giải viên) để hỗ trợ trao đổi, đàm phán và tìm ra giải pháp thống nhất, chấm dứt mâu thuẫn.
  • Trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án, trong đó các bên tranh chấp thỏa thuận đưa vụ việc ra một hội đồng trọng tài hoặc trung tâm trọng tài thương mại để được xem xét và ra phán quyết.
  • Tòa án là phương thức giải quyết tranh chấp thông qua cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng theo thủ tục tố tụng dân sự, đảm bảo tính cưỡng chế thi hành.

4.2. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp

  • Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản.
  • Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.
  • Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực.
  • Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
  • Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.
Tư vấn Giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự
Tư vấn Giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự hiệu quả và tiết kiệm

5. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự

5.1. Tòa án

5.1.1. Thẩm quyền theo cấp xét xử

  • Căn cứ Điều 36 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về hợp đồng dân sự, trừ những trường hợp thuộc thẩm quyền của tòa án nhân dân cấp tỉnh.
  • Căn cứ Điều 37 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài theo quy định tại Khoản 3 Điều 35 Bộ luật này.

Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại Điều 35 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh tự mình lấy lên để giải quyết khi xét thấy cần thiết hoặc theo đề nghị của Tòa án nhân dân cấp huyện.

5.1.2. Thẩm quyền theo lãnh thổ

Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:

  • Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về hợp đồng dân sự.
  • Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về hợp đồng dân sự.

5.2. Trọng tài

Tranh chấp về hợp đồng dân sự được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài này có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp. Nếu không có thỏa thuận trọng tài hoặc thỏa thuận đó vô hiệu, trọng tài sẽ không có thẩm quyền giải quyết.

5.2.1. Toà án có thẩm quyền đối với hoạt động trọng tài

Trường hợp các bên đã có thỏa thuận lựa chọn một Tòa án cụ thể thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án được các bên lựa chọn.

Trường hợp các bên không có thỏa thuận lựa chọn Tòa án thì thẩm quyền của Tòa án được xác định như sau:

  • Đối với việc chỉ định Trọng tài viên để thành lập Hội đồng trọng tài vụ việc thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi cư trú của bị đơn nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của bị đơn nếu bị đơn là tổ chức. Trường hợp có nhiều bị đơn thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi cư trú hoặc nơi có trụ sở của một trong các bị đơn đó.
  • Trường hợp bị đơn có nơi cư trú hoặc trụ sở ở nước ngoài thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi cư trú hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn.

5.2.2. Giải quyết tranh chấp tại Trung tâm trọng tài

Trường hợp giải quyết tranh chấp tại Trung tâm trọng tài, nguyên đơn phải làm đơn khởi kiện gửi đến Trung tâm trọng tài.

  • Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện và yêu cầu chọn Trọng tài viên do Trung tâm trọng tài gửi đến, bị đơn phải chọn Trọng tài viên cho mình và báo cho Trung tâm trọng tài biết hoặc đề nghị Chủ tịch Trung tâm trọng tài chỉ định Trọng tài viên. Nếu bị đơn không chọn Trọng tài viên hoặc không đề nghị Chủ tịch Trung tâm trọng tài chỉ định Trọng tài viên, thì trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày hết thời hạn quy định tại khoản này, Chủ tịch Trung tâm trọng tài chỉ định Trọng tài viên cho bị đơn.
  • Trước khi xem xét nội dung vụ tranh chấp, Hội đồng trọng tài phải xem xét hiệu lực của thỏa thuận trọng tài; thỏa thuận trọng tài có thể thực hiện được hay không và xem xét thẩm quyền của mình. Trong trường hợp vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì Hội đồng trọng tài tiến hành giải quyết tranh chấp theo quy định. Trường hợp không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc xác định rõ thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được thì Hội đồng trọng tài quyết định đình chỉ việc giải quyết và thông báo ngay cho các bên biết.

Bạn đọc cùng quan tâm:

6. Thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng dân sự

Điều 429 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thời hiệu khởi kiện về hợp đồng như sau: “Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.”

Như vậy, thời hiệu khởi kiện đối với tranh chấp về hợp đồng dân sự là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu khởi kiện biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Tức là trong vòng 03 năm kể từ ngày người bị thiệt hại nhận ra, phát hiện ra vi phạm chứ không phải là ngày mà vi phạm đó xảy ra.

Bạn đang gặp rắc rối với tranh chấp hợp đồng dân sự và không biết bắt đầu từ đâu? Việc hiểu rõ các quy định pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình là vô cùng quan trọng. Đừng để sự thiếu hiểu biết pháp lý khiến việc giải quyết tranh chấp trở nên phức tạp và mất nhiều thời gian. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào cần giải đáp, hãy liên hệ ngay với Luật sư Mai Văn Xuân qua Hotline 0869.898.809 hoặc gửi email tới tuvanmeta@gmail.com để được tư vấn chuyên sâu về thủ tục, quyền lợi và phương án giải quyết phù hợp nhất cho tình huống của bạn. Luật sư Mai Văn Xuân cùng đội ngũ chuyên viên pháp lý giàu kinh nghiệm cam kết đồng hành và hỗ trợ bạn giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm!

Công ty Luật TNHH META LAW

META LAW SẴN SÀNG TƯ VẤN

Nếu bạn đang cần tư vấn pháp lý, hãy đặt câu hỏi. META LAW luôn sẵn sàng tư vấn và sẽ gọi lại cho bạn sau ít phút...





    Chia sẻ bài viết:  
    Đánh giá bài viết