Hợp đồng vay tài sản

Khái niệm

Trong cuộc sống hàng ngày, để giải quyết những khó khăn tạm thời về kinh tế, đặc biệt đối với những gia đình túng thiếu cần vốn để sản xuất, kinh doanh, phải vay mượn tiền, vàng của người khác thì hợp đồng vay tài sản là phương tiện pháp lí để thoả mãn các nhu cầu đó. Nhà nước đã tạo điều kiện cho nhân dân vay vốn của ngân hàng với mức lãi suất phù hợp, các hộ nông dân nghèo có thể phát triển được sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, nhân dân vay, mượn của nhau để tiêu dùng cho những việc cần thiết ttong gia đình hoặc để kinh doanh là việc làm phổ biến và có ý nghĩa càn được Nhà nước khuyến khích.

Theo Từ điển Tiếng Việt thì vay là hoạt động nhận tiền hay vật gì của người khác để chi dùng trước với điều kiện sẽ trả tương đương hoặc có thêm phần lãi. Dưới góc độ tín dụng thì: “Cho vay là hình thức cấp tín dụng, theo đó bên cho vay giao hoặc cam kết giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi” (khoản 16 Điều 4 Luật các tổ chức tính dụng năm 2010).

Điều 463 BLDS 2015 định nghĩa Hợp đồng vay tài sản như sau: “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”

Đặc điểm của Hợp đồng vay tài sản

Thứ nhất, hợp đồng vay tài sản là hợp đồng ưng thuận hoặc hợp đồng thực tế.

Pháp luật không quy định cụ thể về thời điểm phát sinh hiệu lực của hợp đồng vay tài sản, liên quan đến vấn đề này, thực tiễn đã có nhiều quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng, hợp đồng vay tài sản là hợp đồng ưng thuận. Theo quan điểm của TS. Nguyễn Mạnh Bách: “Hiệu lực của hợp đồng vay tài sản không lệ thuộc vào sự giao tài sản, hợp đồng vay được thành lập khi có sự thỏa thuận của hai bên và có hiệu lực ngay từ lúc đó, bên cho vay có nghĩa vụ giao tài sản cho bên vay. Với lập lập này, TS. Nguyễn Mạnh Bách khẳng định hợp đồng vay tài sản là hợp đồng ưng thuận.

Quan điểm thứ hai cho rằng, hợp đồng vay tài sản là hợp đồng thực tế. ThS. Nguyễn Hữu Chính lập luận: “Hợp đồng vay tài sản là hợp đồng thực tế, trong hợp đồng vay tài sản thì việc thể hiện ý chí của các chủ thể chỉ là điều kiện cần, muốn hợp đồng có hiệu lực pháp luật, thì các bên phải tiến hành chuyển giao tiền hoặc vật cho nhau, đó là điều kiện đủ”.

Thứ hai, Hợp đồng vay tài sản là hợp đồng đơn vụ hoặc song vụ

Xét về nguyên tắc, hợp đồng cho vay là đơn vụ đối với những trường hợp vay không có lãi suất, bên cho vay có quyền yêu cầu bên vay phải hoàn trả vật cùng loại tương ứng với số lượng, chất lượng của tài sản cho bên cho vay. Bên  vay không có quyền đối với bên cho vay. Tuy nhiên, đối với hợp đồng cho vay có lãi suất thì bên cho vay có nghĩa vụ chuyển tiền đúng thời hạn, nếu vi phạm phải chịu trách nhiệm dân sự.

Tức là, bên vay và bên cho vay ràng buộc nghĩa vụ đối với nhau từ thời điểm hợp đồng phát sinh hiệu lực. Do vậy, việc xác định hợp đồng vay tài sản là hợp đồng song vụ hay đơn vụ, điều đó phụ thuộc vào thời điểm phát sinh hiệu lực của hợp đồng. Vì vậy, (i) Nếu hợp đồng vay tài sản là hợp đồng thực tế, tức là hợp đồng vay có hiệu lực từ thời điểm bên cho vay chuyển giao tài sản cho bên vay thì chỉ có bên vay có nghĩa vụ trả tài sản cho bên cho vay, thì trường hợp này hợp đồng vay là hợp đồng đơn vụ; (ii) Nếu hợp đồng vay là hợp đồng ưng thuận tức là hợp đồng vay có hiệu lực từ thời điểm giao kết thì bên cho vay có nghĩa vụ chuyển giao tài sản vay, còn bên vay có nghĩa vụ trả tài sản cho bên cho vay thì trường hợp này, hợp đồng vay là hợp đồng song vụ.

Thứ ba, hợp đồng vay tài sản là hợp đồng có đền bù hoặc không có đền bù

Nếu hợp đồng vay có lãi suất là hợp đồng vay có đền bù. Khoản lãi chính là lợi ích vật chất mà bên cho vay nhận được từ hợp đồng vay. Các hợp đồng tín dụng của ngân hàng luôn được xác định là hợp đồng vay có đền bù, lãi trong hợp đồng vay do các bên thỏa thuận.

Nếu hợp đồng vay không có lãi suất là hợp đồng không có đền bù. Hợp đồng vay không có đền bù được xác lập phổ biến với những người có quan hệ thân thích, tình cảm…mang tính chất tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau.

Thứ tư, hợp đồng vay tài sản là hợp đồng chuyển quyền sở hữu đối với tài sản từ bên cho vay sang bên vay, khi bên vay nhận tài sản. Vì vậy, bên cho vay có toàn quyền đối với tài sản vay, trừ trường hợp vay có điều kiện sử dụng.

Đối tượng của hợp đồng vay tài sản

Đối tượng của hợp đồng vay tài sản trước hết đó là tài sản được quy định tại điều 105 BLDS: “Vật, tiền, giấy tờ có giá, quyền tài sản”. Tuy nhiên, không phải tài sản nào được liệt kê trên cũng đều thuộc đối tượng điều chỉnh của hợp đồng vay tài sản. Bởi đối tượng của hợp đồng vay tài sản phải là các động sản. Ngoài ra, không phải động sản nào cũng có thể trở thành đối tượng của hợp đồng vay tài sản, bên cạnh các điều kiện chung về tính hợp pháp, động sản chỉ có thể là một khoản tiền hoặc vật cùng loại. Điều này đồng nghĩa rằng, các loại vật khác như vật đặc định, vật không tiêu hao không thể là đối tượng của hợp đồng vay tài sản, chúng chỉ có thể là đối tượng của hợp đồng thuê hoặc hợp đồng mượn tài sản. Bên cạnh đó, tài sản cho vay phải là tài sản thuộc quyền sở hữu, quản lý, chiếm hữu, sử dụng hợp pháp của bên cho vay.

4. Hình thức của hợp đồng vay tài sản

Theo quy định thì khi giao kết, hình thức hợp đồng dân sự mà các bên tham gia có thể áp dụng là bằng miệng, bằng văn bản, bằng hành vi, bằng thông điệp dữ liệu (Điều 119 BLDS năm 2015). Như vậy, hợp đồng vay tài sản cũng sẽ có những hình thức trên và các bên sẽ được tự do thỏa thuận lựa chọn hình thức phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tế của nội dung hợp đồng. Tuy nhiên, thực tế, để hạn chế tranh chấp, các bên tham gia vào hợp đồng nên lựa chọn hình thức bằng văn bản. Bởi hình thức bằng miệng chỉ nên áp dụng đối với những trường hợp cho vay với giá trị tài sản không lớn hoặc giữa các bên có mối quan hệ thân thiết. Một khi tranh chấp xảy ra, những hợp đồng vay tài sản bằng miệng thường rất khó chứng minh, xác định rõ ràng quyền và nghĩa vụ của các bên.

Lãi suất và kỳ hạn của hợp đồng vay tài sản

Lãi suất

Lãi suất trong hợp đồng vay tài sản là tỉ lệ nhất định mà bên vay phải trả thêm vào số tài khoản hoặc số tiền đã vay tính theo đơn vị thời gian.

Điều 468 BLDS 2015 quy định lãi suất giới hạn là 20%/năm của khoản vay. Trường hợp các bên cho vay vượt quá lãi suất quy định thì phần vượt quá không có hiệu lực, trừ trường hợp luật có liên quan có quy định khác (Luật các tổ chức tín dụng). Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất nhưng không cụ thể, nếu có tranh chấp thì tính bằng 10%/năm của khoản tiền vay tương ứng với thời hạn vay.

Ngoài quy định về cách tính lãi suất trong hạn, BLDS quy định về lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn. Mặt khác, đối với khoản lãi chưa trả thì bên vay phải trả lãi suất bằng 50% mức lãi suất giới hạn/khoản lãi chưa trả tương ứng với thời hạn chậm trả lãi.

Ví dụ: A cho B vay 100.000.000 đồng với lãi suất 1%/ tháng, thanh toán tiền lãi hàng tháng và thời hạn của hợp đồng vay là 12 tháng từ 01/01/2017 đến 31/12/2017. Đến hạn B chưa thanh toán cho A cả gốc lẫn lãi. 06 tháng sau là 01/07/2018, B mới thực hiện việc thanh toán. Nghĩa vụ thanh toán của B trong trường hợp này theo quy định của BLDS 2015, như sau:

Tiền nợ gốc =100.000.000 đồng.

Tiền lãi trên nợ gốc trong thời hạn hợp đồng = 100.000.000 x 1% x 12 tháng = 12.000.000 đồng.

Tiền lãi đối với khoản lãi trên nợ gốc chậm trả trong thời hạn hợp đồng = 12.000.000 x 0.83% x 6 = 5.976.000 đồng.

Tiền lãi nợ gốc quá hạn = 100.000.000 x 150% x 1% x 6= 9.000.000 đồng.

Mục đích của quy định về lãi suất trong BLDS là nhằm hạn chế việc cho vay nặng lãi, bởi nếu đặt lợi thế quyết định ý chí trong hợp đồng vay thì bên cho vay có lợi thế quyết định ý chí hơn. Việc quy định cụ thể mức lãi suất trong luật là nhằm ngăn chặn việc bên cho vay lợi dụng tình trạng khó khăn của bên vay và đưa ra một mức lãi suất không thỏa đáng.

Kỳ hạn

Hợp đồng vay tài sản có thể có hoặc không có kì hạn (xác định, không xác định). Nếu hợp đồng vay tài sản không thỏa thuận về kì hạn thì hợp đồng vay tài sản được coi là không có kì hạn. Bên cho vay có quyền yêu cầu bên vay phải thực hiện hợp đồng bất cứ thời điểm nào. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho bên vay chuẩn bị tiền hoặc tài sản khi trả, bên cho vay phải báo cho bên vay một thời gian hợp lí để thực hiện hợp đồng. Hết thời gian đó, bên vay buộc phải thực hiện nghĩa vụ của mình.

Nếu hợp đồng không có kì hạn thì bên vay có thể thực hiện hợp đồng vào bất cứ thời gian nào, bên cho vay không được từ chối tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ của bên vay. Xác định thời điểm chấm dứt hợp đồng vay có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định trách nhiệm dân sự của các bên và thời hiệu của hợp đồng.

Đối với hợp đồng vay có kì hạn, không có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản bất cứ khi nào, còn bên cho vay chỉ được đòi tài sản trước thời hạn nếu bên vay đồng ý.

Trường hợp vay có kì hạn và có lãi, bên vay phải trả tài sản và lãi đúng thời hạn. Nếu bên vay trả tài sản trước thời hạn thì phải trả toàn bộ lãi theo kì hạn đã thỏa thuận.

Quyền và nghĩa vụ của bên cho vay

Nếu hợp đồng vay không kì hạn, bên cho vay có quyền yêu cầu bên vay trả tiền và lãi (nếu có thỏa thuận) bất cứ thời gian nào nhưng phải thông báo cho bên vay một thời hạn hợp lí. Hết thời hạn đó là hết hạn của hợp đồng và bên vay không trả nợ là vi phạm về thời hạn.

Trong BLDS 2015 không đưa ra khái niệm cụ thể về kì hạn vay tài sản cũng như thời hạn vay. Vấn đề này đã được giải quyết trong Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN của Ngân hàng nhà nước về việc ban hành Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, cụ thể: “Thời hạn cho vay là một khoảng thời gian được tính từ khi khách hàng bắt đầu nhận tiền vay cho đến thời điểm trả hết nợ gốc và lãi tiền vay đã được thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng giữa tổ chức tín dụng và khách hàng”, còn “Kì hạn trả nợ là các khoảng thời gian trong thời hạn cho vay đã được thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng mà tại cuối mỗi khoảng thời gian đó khách hàng phải trả một phần hoặc toàn bộ tiền vay cho tổ chức tín dụng”. Ví dụ: A cho B vay 500.000.000đ trong thời gian 3 năm. B cam kết số nợ trên B sẽ trả cho A thành 3 đợt: đợt 1 (sau 6 tháng kể từ thời điểm nhận tiền vay): B trả cho A: 100.000.000đ; đợt 2 (sau 12 tháng kể từ ngày thanh toán đợt 1): B trả cho A: 150.000.000đ; đợt 3: B trả cho A toàn bộ số nợ còn lại vào thời điểm kết thúc 3 năm của thời hạn vay. Như vậy, thời hạn vay trong trường hợp này là 3 năm từ thời điểm B nhận tiền cho tới khi B trả hết toàn bộ số nợ; còn kì hạn vay là các khoảng thời gian trả nợ vào các đợt 1, đợt 2 và đợt 3.

Đối với hợp đồng vay có kì hạn, khi hết hạn của hợp đồng, bên cho vay có quyền yêu cầu bên vay phải trả cho mình một số tiền, tài sản tương ứng với số tiền, tài sản đã cho vay. Ngoài ra, nếu các bên có thỏa thuận về lãi suất, bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi như đã thỏa thuận. Nếu hợp đồng cho vay có áp dụng biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nhưng bên vay không thực hiện đúng thời hạn thì bên cho vay có quyền xử lí tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Bên cho vay có nghĩa vụ giao tài sản đầy đủ, đúng số lượng, chất lượng, chủng loại như đã thỏa thuận cho bên vay. Nếu bên cho có ý lừa dối bên vay chuyển giao tài sản không bảo đảm chất lượng mà gây thiệt hại cho bên vay thì phải bồi thường.

Quyền và nghĩa vụ của bên vay

Là người cần đến sự giúp đỡ về vật chất của bên cho vay, cho nên khi đến hạn của hợp đồng, bên vay phải tự giác thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình phát sinh từ hợp đồng đã kí kết. Bên vay phải trả đủ tiền hoặc tài sản đã vay và tiền lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Nếu đối tượng hợp đồng là tài sản thì bên vay phải trả bằng tài sản cùng loại. Nếu hợp đồng cho vay không kì hạn, khi bên cho vay yêu cầu trả nợ thì bên vay phải thực hiện hợp đồng trong thời gian thỏa thuận. Bên vay cũng có thể thực hiện hợp đồng bất cứ thời gian nào, thời điểm này được coi là thời điểm chấm dứt hợp đồng cho vay không kì hạn. Trường hợp các bên có thỏa thuận về mục đích vay, bên cho vay có quyền kiểm tra việc sử dụng tài sản của bên vay có đúng mục đích như thỏa thuận hay không. Nếu sử dụng tài sản không đúng mục đích đã thỏa thuận, bên cho vay có quyền hủy hợp đồng (Điều 467 BLDS 2015).

Nếu hợp đồng có kì hạn mà bên vay trả nợ trước thời hạn thì phải trả toàn bộ nợ gốc và lãi của cả thời kỳ vay trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Bởi vì khi cho vay, bên cho vay đã xác định trong thời gian cho vay đó không sử dụng tài sản, tiền vào mục đích khác, do vậy khi trả lại tài sản thì bên cho vay chưa có kế hoạch sử dụng tài sản đó, tức là bên cho vay sẽ bị động khi bên vay trả tài sản trước thời hạn (khoản 2 Điều 470 BLDS 2015).

Trên đây là những giải đáp về Hợp đồng vay tài sản. Để được tư vấn thêm thông tin chi tiết Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp với Meta Law theo thông tin sau:

Công ty Luật TNHH META LAW

🏠 Địa chỉ: Tầng 5, số 137 Hoàng Quốc Việt, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.

🌐 Web: https://metaasia.vn/

☎️ Hotline tư vấn: 0869.898.809

✉️Email: tuvanmeta@gmail.com