Hà Nội phát triển tài sản trí tuệ
Thực hiện “Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019- 2020”, những năm gần đây, hoạt động sở hữu trí tuệ trên địa bàn Hà Nội đã có nhiều khởi sắc, đóng góp quan trọng cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo nói riêng và kinh tế – xã hội thành phố nói chung. Thành công của chương trình là tiền đề quan trọng để Hà Nội hiện thực hóa Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030.
Nâng cao giá trị, tăng khả năng cạnh tranh
Những người nông dân trồng chuối ở xã Vân Nam (huyện Phúc Thọ) đã dần quen và hiểu hơn về khái niệm tài sản trí tuệ. Là một trong những sản phẩm nông sản thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ của UBND thành phố Hà Nội, chuối Vân Nam được dán tem truy xuất nguồn gốc, sử dụng bao bì và logo nhãn hiệu tập thể để người tiêu dùng dễ nhận biết và phân biệt. Thông qua dự án, năng lực quản lý và phát triển nhãn hiệu của Hợp tác xã Nông nghiệp Vân Nam được cải thiện. Giờ đây, chuối Vân Nam đã có mặt tại nhiều cửa hàng tiện lợi trên địa bàn Thủ đô, người tiêu dùng đã dần quen với sản phẩm đã được bảo hộ độc quyền nhãn hiệu tập thể này và tự tìm mua cho gia đình.
Hà Nội là địa phương có khối lượng tài sản trí tuệ lớn và đa dạng. Để khai thác và phát triển nguồn tài sản này, những năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã tham mưu UBND thành phố ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ. Trên cơ sở đó, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, cải tiến quy trình sản xuất; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng.
Thực hiện Kế hoạch số 242/KH-UBND về “Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2020” và Quyết định số 5508/ QĐ-UBND ngày 8-12-2020 của UBND thành phố về việc phê duyệt đơn vị tổ chức chủ trì, kinh phí và thời gian thực hiện đối với 22 nhiệm vụ giai đoạn 2019-2020, đến nay, các nhiệm vụ đã hoàn thành. Trong số đó có 4 nhiệm vụ có sản phẩm đã được bảo hộ nhãn hiệu tập thể, tiếp tục được hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý và phát triển; 18 nhiệm vụ có sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu tập thể và được đưa vào khai thác thực tiễn, gồm: Rau an toàn Yên Nghĩa (Hà Đông), hoa Đan Phượng (huyện Đan Phượng), rau an toàn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ), rau an toàn Xuân Phú (huyện Phúc Thọ), gạo Đỗ Động (huyện Thanh Oai), khoai tây Hương Ngải (huyện Thạch Thất), rau an toàn Đông Cao (huyện Mê Linh), bưởi đỏ Đông Cao (huyện Mê Linh), bưởi Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ), thanh long ruột đỏ (huyện Ba Vì), sản phẩm chăn nuôi Phương Đình (huyện Đan Phượng), nấm Đan Phượng (huyện Đan Phượng), trứng vịt Đông Lỗ (huyện Ứng Hòa), các sản phẩm từ thịt lợn (huyện Phúc Thọ), dược liệu Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn), dược liệu và thuốc Nam (huyện Ba Vì), mật ong Tản Viên (huyện Ba Vì).
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn cho biết, với việc được bảo hộ nhãn hiệu tập thể, các sản phẩm bước đầu được người tiêu dùng biết đến thông qua hệ thống nhận diện và được quảng bá rộng rãi, chất lượng sản phẩm cũng được nâng lên, đồng đều nhờ được sản xuất theo quy trình chung, duy trì danh tiếng, uy tín, tăng giá trị của sản phẩm và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, thông qua việc triển khai dự án, người sản xuất được tập huấn nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ để bảo vệ, nâng giá trị sản phẩm của mình, có thêm nhận thức và ý thức xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước.
Tiền đề quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đỗ Hoàng Anh Châu, việc các sản phẩm nông nghiệp được cấp đăng ký nhãn hiệu tập thể đã giúp sản phẩm trở thành thương hiệu có uy tín trên thị trường, góp phần nâng cao giá trị, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân phát triển sản phẩm, tạo niềm tin với người tiêu dùng. Trong thời gian tới, UBND huyện Chương Mỹ sẽ phát huy giá trị được công nhận, cung cấp ra thị trường sản phẩm sạch, chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Huyện cũng đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sản phẩm đã được bảo hộ; tạo điều kiện và hỗ trợ phát triển sản phẩm về quy mô, điều kiện sản xuất, thu hoạch và thương mại hóa sản phẩm đã được bảo hộ.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn, sản xuất nông nghiệp vẫn đóng vai trò chủ đạo. Từ khi được quy hoạch là vành đai xanh, việc tổ chức sản xuất để bảo đảm nâng cao giá trị, xây dựng nhãn hiệu tập thể và xác định những sản phẩm chủ lực của huyện được đặc biệt quan tâm. Nhờ sự giúp đỡ tận tình của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, đến nay, huyện Phúc Thọ đã có 5 sản phẩm được công nhận nhãn hiệu tập thể, trong đó có những sản phẩm có chỗ đứng vững trên thị trường và được người tiêu dùng rất tín nhiệm, như: Bưởi Phúc Thọ, bưởi Tam Vân, chuối tiêu hồng Vân Nam.
“Việc đưa khoa học, kỹ thuật, chứng nhận và tôn vinh sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp là việc làm vô cùng cần thiết. Hiện tại, huyện Phúc Thọ đang tổ chức sản xuất để xây dựng nhãn hiệu tập thể cho gạo sông Hát, sông Tích và thực hiện 2 dự án: Hoa, cây cảnh Tích Giang gắn với du lịch trải nghiệm; hoa chất lượng cao của xã Tam Thuấn”, ông Nguyễn Đình Sơn cho biết.
Có thể khẳng định “Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2020” đã và đang triển khai, giúp nhiều sản phẩm thuộc các địa danh được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Với việc được bảo hộ nhãn hiệu tập thể sản phẩm, bước đầu được người tiêu dùng biết đến thông qua hệ thống nhận diện và được quảng bá rộng rãi, duy trì danh tiếng, nâng cao giá trị của sản phẩm và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Nguồn: hanoimoi.com.vn
Cần hỗ trợ các thủ tục pháp lý cho doanh nghiệp vui lòng liên hệ cho chúng tôi để được tư vấn:
Công ty Luật TNHH META LAW
🏠 Địa chỉ: tầng 5, Số 137 Hoàng Quốc Việt, P. Nghĩa Đô, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
🌐 Web: https://metaasia.vn/
☎️ Hotline tư vấn: 0869.898.809
✉️Email: tuvanmeta@gmail.com