Biện pháp ngăn chặn và căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự?

Để bảo đảm giải quyết vụ án hình sự nhanh chóng, kịp thời, đúng thời hạn, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng các biện pháp cưỡng chế khác nhau, trong đó không thể không kể đến các biện pháp ngăn chặn. Biện pháp ngăn chặn là một trong những chế định quan trọng của pháp luật tố tụng hình sự, là một trong những nhóm biện pháp cưỡng chế tố tụng mang tính cưỡng chế nghiêm khắc và khi áp dụng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các quyền con người, quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp các văn bản pháp luật khác ghi nhận. Vậy biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự là gì? Biện pháp ngăn chặn được áp dụng trong trường hợp nào?

Biện pháp ngăn chặn là gì?

Biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự là biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự được quy định trong BLTTHS, do người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, công dân áp dụng đối với bị can, bị cáo, người phạm tội quả tang, người có lệnh truy nã hoặc người bị nghi là phạm tội, nhằm ngăn chặn kịp thời hành vi phạm tội, không để họ cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội cũng như đảm bảo cho việc thi hành án.

Đặc điểm

  • Biện pháp ngăn chặn là biện pháp cưỡng chế được quy định trong BLTTHS.
  • Chủ thể có thẩm quyền áp dụng: tùy theo các biện pháp ngăn chặn được quy định mà sẽ có các chủ thể có thẩm quyền áp dụng khác nhau, đó có thể là người tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc những người có chức vụ trong các cơ quan được giao nhiệm vụ thực hiện một số hoạt động điều tra hoặc có thể là Công dân.
  • Biện pháp ngăn chặn có mục đích ngăn chặn kịp thời các hành vi phạm tội không để người có hành vi phạm tội cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự hoặc sẽ tiếp tục phạm tội. Đồng thời, việc áp dụng biện pháp ngăn chặn cũng hướng tới mục đích đảm bảo cho việc thi hành án.

Căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn?

Khoản 1 Điều 109 BLTTHS quy định: “Để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để bảo đảm thi hành án, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh.” Dựa vào điều luật trên có thể xác định các căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn như sau:

Thứ nhất, để kịp thời ngăn chặn tội phạm

Khi có hành vi chuẩn bị phạm tội hoặc các đang có hành vi xâm phạm đến các quan hệ mà luật hình sự bảo vệ thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm đấu tranh không cho tội phạm xảy ra hạn chế thiệt hại về vật chất, tinh thần gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Kịp thời ngăn chặn tội phạm là một trong những biện pháp được áp dụng để ngăn chặn các hành vi phạm tội xảy ra xâm phạm đến các quan hệ được Luật hình sự bảo vệ. Các trường hợp được áp dụng căn cứ này như: khi có căn cứ xác định một người đang chuẩn bị thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hoặc là trường hợp người đang thực hiện tội phạm.

Thứ hai, khi có căn cứ cho rằng người bị buộc tội tiếp tục phạm tội

Sau khi thực hiện hành vi phạm tội, người có hành vi phạm tội bị cơ quan có thẩm quyền tố tụng khởi tố với tư cách là bị can hoặc bị cáo mà có căn cứ rằng họ sẽ tiếp tục phạm tội nếu vẫn để cho họ tự do nên cần phải áp dụng các biện pháp ngăn chặn không cho họ có điều kiện phạm tội mới. để đánh giá bị can, bị cáo có tiếp tục phạm tội mới hay không thì có thể căn cứ vào nhân thân, thái độ của họ sau khi thực hiện hành vi phạm tội, đó có thể là: bị can, bị cáo đe dọa trả thù người tố cáo, người làm chứng và có khả năng thực hiện sự đe dọa đó hoặc bị can, bị cáo là những phần tử có ý thức chống đối chế độ sâu sắc, là đối tượng lưu manh chuyên nghiệp, côn đồ, hung hãn; có tiền án, tiền sự; tái phạm; tái phạm nguy hiểm….

Thứ ba, khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử

Dấu hiệu gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xủ của bị can, bị cáo là dấu hiệu bắt buộc của căn cứ này. Những biểu hiện của việc gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử có thể là bị can, bị cáo trốn khỏi nơi cư trú; nhiều lần không có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng mà không có lý do chính đáng; làm thay đổi tài liệu liên quan đến tội phạm….

Thứ tư, để bảo đảm cho việc thi hành án

Thi hành án là giai đoạn cuối cùng của TTHS, nhằm phát huy hiệu lực của bản án trong thực tế, vì thế việc tạo điều kiện thuận lợi để đảm bảo cho hoạt động thi hành án có kết quả là cần thiết.

Khi có căn cứ cho rằng bị cáo cản trở việc thi hành án thì có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn. dấu hiệu của việc cản trở thi hành án được thể hiện như: bị can, bị cáo đang có hành vi chuẩn bị trốn khỏi nơi cư trú; bị cáo không có nơi cư trú rõ ràng, không có nghề nghiệp hoặc bị cáo có nhân thân xấu.

Tài liệu tham khảo: Giáo trình Luật tố tụng hình sự Việt Nam, Trường Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội, 2019.

Bài viết được Luật sư thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể vui long liên hệ: LS Mai Văn Xuân- Công ty Luật META Law, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, theo số 0869 898 809.

Trên đây là những giải đáp của Công ty Luật TNHH Meta Law về Biện pháp ngăn chặn và căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự? . Để được tư vấn thêm thông tin chi tiết Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp với Meta Law theo thông tin sau:

Công ty Luật TNHH META LAW

🏠 Địa chỉ: Tầng 5, số 137 Hoàng Quốc Việt, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.

🌐 Web: https://metaasia.vn/

☎️ Hotline tư vấn: 0869.898.809

✉️Email: tuvanmeta@gmail.com