Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội

Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội là trường hợp khi xét xử, Tòa án kết án bị cáo phạm từ hai tội trở lên và khi quyết định hình phạt Tòa án phải quyết định hình phạt đối với từng tội, sau đó phải quyết định hình phạt chung đối với các tội đó, để buộc bị cáo chấp hành. Tuy nhiên, do hình phạt trong hệ thống hình phạt có nhiều loại và khi quyết định hình phạt đối với từng tội, Tòa án không thể chọn một loại hình phạt chung cho tất cả các tội mà có thể phải áp dụng loại hình phạt khác nhau đối với từng tội. Vì vậy, khi xét xử, Tòa án phải quyết định hình phạt đối với từng tội, sau đó tổng hợp hình phạt theo quy định tại Điều 54 Bộ luật Hình sự.

1.Đối với hình phạt chính:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì hình phạt chính bao gồm: cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, trục xuất, tù có thời hạn, tù chung thân, tử hình. Do đó, việc tổng hợp phải theo nguyên tắc sau:

  • Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ, thì các hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung, hình phạt chung không được vượt quá 03 năm
  • Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là tù có thời hạn, thì các hình phạt đó cộng lại thành hình phạt chung; hình phạt chung không không được vượt quá 30 năm.
  • Nếu các hình phạt đã tuyên vừa là hình phạt cải tạo không giam giữ, vừa là hình phạt tù có thời hạn, thì hình phạt cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành hình phạt tù theo tỉ lệ cứ 03 ngày cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành 01 ngày tù để tổng hợp thành hình phạt chung như trường hợp hình phạt đã tuyên cùng là tù có thời hạn.

Ví dụ: Vũ Thị M bị phạt 01 năm 06 tháng cải tạo không giam giữ về tội “lừa dối khách hàng” theo khoản 1 Điều 198 và 02 năm tù về tội “trốn thuế” theo khoản 3 Điều 200 Bộ luật Hình sự, Tòa án chuyển đổi 01 năm 06 tháng cải tạo không giam giữ thành 06 tháng tù và cộng với 02 năm tù, buộc Vũ Thị M phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội là 02 năm 06 tháng tù.

  • Nếu hình phạt nặng nhất trong số hình phạt đã tuyên là tù chung thân, thì hình phạt chung là tù chung thân.
  • Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tử hình, thì hình phạt chung là tử hình.

Ví dụ: Phạm Thanh B bị phạt tử hình vì tội “giết người” theo khoản 1 Điều 123, 15 năm tù về tội “cướp tài sản” theo khoản 3 Điều 168 Bộ luật Hình sự, thì khi tổng hợp hình phạt, Tòa án buộc Phạm Thanh B phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội là tử hình.

  • Nếu các hình phạt đã tuyên, trong đó có hình phạt tiền, thì Tòa án không được tổng hợp hình phạt tiền với các hình phạt khác, các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung.

Ví dụ: Đào Thị L bị phạt 20.000.000 đồng về tội “quảng cáo gian dối” theo khoản 1 Điều 197; 50.000.000 đồng về tội “lừa dối khách hàng” theo khoản 1 Điều 198 và 05 tù về tội “buôn bán hàng giả” theo khoản 2 Điều 192 Bộ luật Hình sự. Khi tổng hợp hình phạt, Tòa án cộng 20.000.000 đồng với 50.000.000 đồng thành 70.000.000 đồng và buộc Đào Thị L phải chấp hành hình phạt chung cho cả ba tội là 05 năm tù và 70.000.000 đồng.

  • Nếu các hình phạt đã tuyên, trong đó có hình phạt trục xuất, thì Tòa án không được tổng hợp hình phạt trục xuất với các hình phạt khác. Ví dụ: Kim Yong Shu là người mang quốc tịch Hàn Quốc bị phạt 100.000.000 đồng về tội “gây ô nhiễm nguồn nước” theo khoản 1 Điều 235 và trục xuất về tội “vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới” theo khoản 1

Điều 189 Bộ luật Hình sự, Tòa án buộc Kim Yong Shu phải chấp hành chung cho cả hai tội là trục xuất và 100.000.000 đồng.

2.Đối với hình phạt bổ sung: 

Theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Bộ luật Hình sự thì hình phạt bổ sung bao gồm: cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; cấm cư trú; quản chế; tước một số quyền công dân; tịch thu tài sản; phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính và trục xuất, khi không áp dụng là hình phạt chính.

Cũng như hình phạt chính, có loại hình phạt bổ sung có thể tổng hợp thành hình phạt chung được nhưng cũng có loại hình phạt bổ sung không thể tổng hợp với nhau được. Do đó việc tổng hợp hình phạt bổ sung cũng phải tuân theo những nguyên tắc sau:

  • Nếu các hình phạt bổ sung đã tuyên là cùng loại, thì khi tổng hợp, Tòa án cộng các hình phạt đó lại, hình phạt chung không được vượt quá giới hạn mà Bộ luật Hình sự quy định đối với loại hình phạt đó.

Ví dụ: Trần Thị H bị phạt 03 năm quản chế về tội “chứa mại dâm” theo khoản 5 Điều 327 và 3 năm quản chế về tội “tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” theo khoản 5 Điều 255 Bộ luật Hình sự. Nếu cộng hai hình phạt này với nhau thì hình phạt chung phải là 06 năm quản chế, nhưng Tòa án chỉ buộc Trần Thị H phải chấp hành hình phạt bổ sung chung là 05 năm quản chế, vì hình phạt quản chế có mức tối đa theo quy định của Bộ luật Hình sự là 05 năm.

  • Nếu hình phạt bổ sung đã tuyên là khác loại thì người bị kết án phải chấp hành tất cả các hình phạt đã tuyên.

Ví dụ: Vũ Thị C bị phạt 03 năm quản chế theo quy định tại khoản 5 Điều 255 về tội “tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”, phạt 10.000.000 triệu đồng theo quy định tại khoản 5 Điều 328 về tội “môi giới mại dâm”, cấm kinh doanh nhà hàng, khách sạn trong thời hạn 5 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù. Tòa án buộc Vũ Thị C phải chấp hành tất cả các hình phạt bổ sung đã tuyên đối với bị cáo.

Trên đây là những giải đáp của Công ty Luật TNHH Meta Law về Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội. Để được tư vấn thêm thông tin chi tiết Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp với Meta Law theo thông tin sau:

Công ty Luật TNHH META LAW

🏠 Địa chỉ: Tầng 5, số 137 Hoàng Quốc Việt, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.

🌐 Web: https://metaasia.vn/

☎️ Hotline tư vấn: 0869.898.809

✉️Email: tuvanmeta@gmail.com

Biên tập: Hảo