Chấm dứt hiệu lực mã số thuế đối với doanh nghiệp

1. Các trường hợp được chấm dứt hiệu lực mã số thuế đối với doanh nghiệp: 

Căn cứ theo Điều 29 và Điều 39 Luật Quản lý thuế năm 2019, Điều 14 Thông tư 105/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn đăng kí thuế có quy định cụ thể về 03 (ba) trường hợp được chấm dứt hiệu lực mã số thuế đối với doanh nghiệp, từng trường hợp cụ thể như sau:

Thứ nhất, doanh nghiệp chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc giải thể, phá sản;

Ví dụ trường hợp Ngân hàng phát triển Việt Nam – chi nhánh Ngân hàng phát triển Lạng Sơn có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn Q đóng trên địa bàn thôn M.T, xã M.P, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn.

Hoặc trường hợp, công ty trách nhiệm hữu hạn xây dựng ĐT có trụ sở đặt tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc, chủ doanh nghiệp được đăng kí là ông Nguyễn Thanh H. Từ giữa năm 2020, công ty có dấu hiệu thua lỗ, đến tháng 2/2021, công ty này đã nợ các đối tác số tiền là 5 tỷ đồng, nợ lương của người lao động là 570 triệu đồng, nợ bảo hiểm xã hội 450 triệu đồng, nợ thuế và các khoản lãi quá hạn ngân hàng hơn 700 triệu đống. Sau 4 tháng kể từ khi chủ doanh nghiệp là ông H bỏ trốn và mất liên lạc, các cơ quan chức năng của tỉnh Đắc Lắc vẫn chưa có được giải pháp để giải quyết quyền lợi về lương, bảo hiểm xã hội cho người lao động. Từ đó cơ quan thuế ra quyết định giải thể trên thực tế.

Thứ hai, doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (Ví dụ như trường hợp Công ty cổ phần du học Hoàng Sơn bị thu hồi giấy phép kinh doanh với mã số doanh nghiệp 0107787887);

Thứ ba, doanh nghiệp tiến hành tổ chức lại thông qua các hình thức như chia tách, bị sáp nhập, bị hợp nhất. (Ví dụ như thương vụ sáp nhập công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 và Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 2 được thông qua ngày 29/12/2009 được coi là một thương vụ sáp nhập điển hình và thành công trong việc thi hành quy định pháp luật về sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp ở nước ta).

2. Trình tự, thủ tục thực hiện việc chấm dứt hiệu lực mã số thuế đối với doanh nghiệp: 

Tùy theo cách tiếp cận của mỗi chủ thể và từng giai đoạn phát triển kinh tế xã hội mà có những quan niệm khác nhau về doanh nghiệp. Trong nền kinh tế thị trường hiện nay thì Đảng và nhà nước ta luôn tạo điều kiện cho mọi chủ thể cùng tham gia phát triển kinh tế, ưu tiên đảm bảo quyền tự do kinh doanh. Mọi thương nhân đều là chủ thể kinh doanh và mọi doanh nghiệp đều là thương nhân vì đều có đăng kí kinh doanh. Qua quá trình hoạt động, doanh nghiệp có thể sẽ gặp phải những khó khăn dẫn đến việc ngừng sản xuất kinh doanh thậm chí chấm dứt sự tồn tại của mình. Doanh nghiệp khi đó có hai phương án tối ưu nhất để lựa chọn là tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh một thời gian để giải quyết xong những khó khăn, chờ thị trường ổn định lại rồi tiếp tục hoạt động. Trong trường hợp doanh nghiệp không thể tiếp tục hoạt động kinh doanh nữa thì doanh nghiệp sẽ lựa chọn phương án thứ hai là rút lui khỏi thị trường. Tuy nhiên thực tiễn các doanh nghiệp vẫn gặp phải nhiều khó khăn khúc mắc trong quá trình tồn tại và hoạt động, cạnh tranh. Mỗi doanh nghiệp đều có những mã số thuế riêng để phân biệt giữa các doanh nghiệp với nhau. Khi rơi vào các trường hợp phải chấm dứt hiệu lực của mã số thuế thì thủ tục tiến hành sẽ như thế nào. Thông thường, thủ tục để chấm dứt hiệu lực mã số thuế của một doanh nghiệp thường được thực hiện qua các bước cơ bản như sau:

Bước 1: Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày có văn bản chấm dứt hoạt động, tổ chức kinh tế, tổ chức khác có trách nhiệm gửi hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế đến cơ quan thuế trực tiếp quản lý để làm thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế.

Bước 2: Cơ quan tiếp nhận là cơ quan thuế sẽ thực hiện việc chấm dứt mã số thuế đối với doanh nghiệp cùng với đó là cập nhật thời hạn đăng kí kinh doanh, tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đó trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng kí doanh nghiệp.

Bước 3: Công chức thuế tiếp nhận và đóng dấu tiếp nhận hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế, ghi rõ thời điểm nhận hồ sơ và tên tài liệu theo bảng kê danh mục hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế. Công chức thuế viết phiếu hẹn trong đó thể hiện rõ nội dung về ngày trả kết quả chấm dứt hiệu lực mã số thuế và thời hạn trả kết quả không được quá số ngày quy định của Thông tư 105/2020/TT-BTC ngày 3/12/2020 của Bộ Tài chính. Trường hợp hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế gửi theo đường bưu chính thì công chức thuế sẽ tiến hành đóng dấu và ghi ngày nhận hồ sơ cũng như ghi sổ văn thư của cơ quan thuế.

Bước 4: Sau khi kiểm tra hồ sơ đăng ký thuế, nếu xét thấy cần bổ sung hồ sơ, cơ quan thuế sẽ tiến hành thông báo cho người nộp thuế ngay trong ngày làm việc đối với trường hợp hồ sơ được nộp trực tiếp tại cơ quan; trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đối với trường hợp hồ sơ được gửi qua đường bưu chính.

3. Hồ sơ thực hiện thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế đối với doanh nghiệp:

Thành phần hồ sơ bảo gồm các tài liệu cơ bản sau:

– Văn bản đề nghị chấm dứt hiệu lực mã số thuế mẫu số 24/ĐK-TCT ban hành kèm theo Thông tư 105/2020/TT-BTC ngày 3/12/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn đăng kí thuế;

– Bản gốc giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc Thông báo mã số thuế (bản gốc), nếu mất mã số thuế thì sẽ thay bằng công văn giải trình mất Giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc thông báo mã số thuế;

– Trường hợp doanh nghiệp giải thể thì hồ sơ gồm thêm quyết định giải thể, biên bản họp, văn bản xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan nếu tổ chức có hoạt động xuất nhập khẩu.

4. Thời hạn giải quyết:

Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày mà cơ quan thuế tiếp nhận được hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế của phía doanh nghiệp, cơ quan thuế phải thực hiện thông báo cho doanh nghiệp đó ngừng hoạt động và đang làm thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế theo mẫu số 17/TB-ĐKT ban hành kèm theo Thông tư 105/2020/TT-BTC ngày 3/12/2020 của Bộ Tài chính gửi cho người nộp thuế. Đồng thời chuyển trạng thái của doanh nghiệp nộp thuế và các đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp nộp thuế về trạng thái ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế trên hệ thống ứng dụng đăng ký thuế.

Trong thời hạn là 03 ngày làm việc kể từ ngày doanh nghiệp nộp thuế đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế với cơ quan thuế và cơ quan hải quan hoặc cơ quan thuế hoàn thành việc chuyển toàn bộ nghĩa vụ thuế của đơn vị trực thuộc sang đơn vị chủ quản theo quy định, cơ quan thuế ban hành Thông báo chấm dứt hiệu lực mã số thuế theo mẫu số 18/TB-ĐKT ban hành kèm theo Thông tư 105/2020/TT-BTC ngày 3/12/2020 của Bộ Tài chính gửi cho doanh nghiệp nộp thuế.

5. Nguyên tắc chấm dứt hiệu lực mã số thuế doanh nghiệp:

Căn cứ vào khoản 3 Điều 39 Luật Quản lý thuế năm 2019 thì có các nguyên tắc chấm dứt hiệu lực mã số thuế như sau:

– Kể từ ngày cơ quan thuế thông báo chấm dứt hiệu lực của mã số thuế đó thì doanh nghiệp không được sử dụng mã số thuế này trong các giao dịch liên quan đến kinh tế;

– Khi đã chấm dứt hiệu lực thì mã số thuế của doanh nghiệp đó không được sử dụng lại, trừ trường hợp mã số thuế của tổ chức khi đã chấm dứt hiệu lực không được sử dụng lại, trừ trường hợp hợp được khôi phục mã số thế bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo Điều 40 Luật Quản lý thuế năm 2019;

– Khi doanh nghiệp chấm dứt hiệu lực mã số thuế thì đồng thời cũng phải thực hiện chấm dứt luôn hiệu lực đối với mã số thuế nộp thay;

– Doanh nghiệp nộp thuế là đơn vị chủ quản chấm dứt hiệu lực mã số thuế thì các đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp nộp thuế cũng phải bị chấm dứt hiệu lực mã số thuế;

– Đối với trường hợp doanh nghiệp giải thể, thì trước khi tiến hành nộp hồ sơ giải thể theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì phải gửi hồ sơ cho cơ quan thuế để hoàn thành nghĩa vụ về thuế.