CÁCH TRA CỨU BẢO HIỂM XÃ HỘI 2023

1. Tại sao cần phải tra cứu bảo hiểm xã hội?

Trên thực tế, trong rất nhiều trường hợp người lao động buộc phải khai báo một số thông tin về việc tham gia Bảo hiểm xã hội của mình như: khi làm việc tại công ty mới và được tiếp tục tham gia BHXH, khi hưởng các chế độ BHXH, khi làm thủ tục đăng ký tài khoản bảo hiểm xã hội… Trong trường hợp người lao động không nhớ các thông tin BHXH của cá nhân có thể sử dụng thay thế các cách tra cứu BHXH để có thể kiểm tra được chính xác thông tin mà mình mong muốn.

Việc tra cứu bảo hiểm xã hội mang lại nhiều lợi ích cho người lao động như:

1 – Giúp người lao động nắm được các thông tin quan trọng về quá trình tham gia bảo hiểm xã hội cũng như các thông tin cá nhân.

2 – Giúp người lao động kịp thời điều chỉnh hoặc khiếu nại khi có sai sót nhằm bảo vệ quyền lợi của bản thân.

3 – Giúp người lao động khai báo một số thông tin về việc tham gia bảo hiểm xã hội của mình khi cần thiết, như khi làm việc tại công ty mới và được tiếp tục tham gia BHXH, khi hưởng các chế độ BHXH, khi làm thủ tục đăng ký tài khoản bảo hiểm xã hội….

4 – Giúp người lao động theo dõi và tính toán được quyền lợi hưởng các chế độ BHXH, như chế độ thai sản, ốm đau, nghỉ hưu, tai nạn lao động, tử tuất….

2. Cách tra cứu bảo hiểm xã hội cập nhật năm 2023

Hiện nay có 3 cách để người dân có thể tra cứu BHXH chính xác nhất. Khi người lao động đã tham gia BHXH và được cấp sổ thì hoàn toàn có thể sử dụng mã số được cung cấp trong sổ để tra cứu các thông tin về quá trình đóng BHXH của chính mình.

Thứ nhất là tra cứu trên Cổng thông tin điện tử của BHXH Việt Nam;

Thứ hai là tra cứu trên Ứng dụng VssID;

Thứ ba là tra cứu bằng tin nhắn điện thoại.

2.1. Tra cứu trên Cổng thông tin điện tử của BHXH

Bước 1: Truy cập trang web https://baohiemxahoi.gov.vn/Pages/default.aspx và lựa chọn Tra cứu trực tuyến.

Bước 2: Chọn Tra cứu quá trình tham gia BHXH và điền các thông tin theo yêu cầu.

Các mục thông tin có dấu * màu đỏ là các trường thông tin bắt buộc phải điền.

Sau khi điền xong thông tin, người dùng tích chọn “tôi không phải là người máy” và ấn Lấy mã OTP.

Bước 3: Nhập mã OTP và ấn tra cứu.

Nếu dữ liệu đang được cơ quan BHXH hoàn thiện hoặc dữ liệu về thông tin cá nhân của người lao động như số CMTND (CCCD), ngày tháng năm sinh, số sổ, họ tên chưa đầy đủ, chính xác thì có thể hệ thống sẽ không tìm thấy dữ liệu.

Nếu tra cứu thành công, hệ thống sẽ trả về thông tin Chức vụ, Đơn vị công tác, Mức đóng… để người lao động nắm được thông tin tham gia BHXH của mình.

2.2. Tra cứu qua tin nhắn SMS (1.000 đồng/tin)

Để tra cứu thời gian tham gia BHXH theo khoảng thời gian, NLĐ soạn tin nhắn với cú pháp: BH QT {mã số bảo hiểm xã hội} {từ tháng-năm} {đến tháng-năm} gửi đến 8079.

Tra cứu thời gian tham gia BHXH theo khoảng thời gian theo năm, NLĐ soạn tin nhắn với cú pháp: BH QT {mã số bảo hiểm xã hội} {từ năm} {đến năm} gửi đến 8079.

Với cách này, kết quả trả về sẽ là tổng thời gian tham gia BHXH, không có thông tin chi tiết về mức đóng, chức vụ như cách tra cứu qua trang web.

2.3. Tra cứu qua ứng dụng VssID

Bước 1: Mở ứng dụng VssID trên điện thoại và đăng nhập tài khoản bằng mã số BHXH.

Sau khi đăng nhập thành công, tại mục “quản lý cá nhân” chọn quá trình tham gia.

Bước 2: Chọn mục BHXH để xem thông tin chi tiết về thời gian tham gia, quyền lợi,… Ấn vào hình con mắt để xem thông tin chi tiết về chức vụ và mức đóng./.