Điều kiện để được hưởng án treo?

Những người phạm tội ít nghiêm trọng nếu đáp ứng điều kiện pháp luật quy định thì có thể được xem xét cho hưởng án treo. Vậy, án treo và điều kiện để được hưởng án treo được pháp luật quy định như thế nào?

  1. Án treo

Căn cứ khoản 1 Điều 65 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 và Điều 1 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng điều 65 Bộ Luật hình sự về án treo quy định về án  treo như sau:

“Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù.”

  1. Điều kiện để được hưởng án treo

Tại điều 2 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao quy định về điều kiện hưởng án treo được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị quyết 01/2022 của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao cụ thể:

  • Người bị xử phạt tù không quá 03 năm
  •  Người bị xử phạt tù có nhân thân là ngoài lần phạm tội này, người phạm tội chấp hành chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc.

a) Đối với người đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích, người bị kết án nhưng đã được xóa án tích, người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý kỷ luật mà tính đến ngày phạm tội lần này đã quá thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật nếu xét thấy tính chất, mức độ của tội phạm mới được thực hiện thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hoặc người phạm tội là đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo;

b) Đối với người bị kết án mà khi định tội đã sử dụng tình tiết “đã bị xử lý kỷ luật” hoặc “đã bị xử phạt vi phạm hành chính” hoặc “đã bị kết án” và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo;

c) Đối với người bị kết án mà vụ án được tách ra để giải quyết trong các giai đoạn khác nhau (tách thành nhiều vụ án) và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo.

  • Có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 điều 51 của Bộ luật hình sự và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 điều 52 của Bộ luật hình sự.

Trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phải giảm nhiều hơn số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự từ 02 tình tiết trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại khoản 1 điều 51 của Bộ luật hình sự.

  • Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục.

Nơi làm việc ổn định là nơi người phạm tội làm việc có thời hạn từ 01 năm trở lên theo hợp đồng lao động hoặc theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

  • Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Trên đây là những giải đáp của Công ty Luật TNHH Meta Law về Điều kiện hưởng án treo theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam. Để được tư vấn thêm thông tin chi tiết Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp với Meta Law theo thông tin sau:

Công ty Luật TNHH META LAW

🏠 Địa chỉ: Tầng 5, số 137 Hoàng Quốc Việt, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.

🌐 Web: https://metaasia.vn/

☎️ Hotline tư vấn: 0869.898.809

✉️Email: tuvanmeta@gmail.com