Chứng cứ là gì? Ai có quyền được thu thập chứng cứ trong thủ tục tố tụng hình sự?

1. Khái niệm về chứng cứ

Theo điều 86 bộ luật tố tụng hình sự thì chứng cứ trong vụ án hình sự được hiểu như sau:

Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.

2. Ai được quyền thu thập chứng cứ

Thu thập chứng cứ có vai trò rất quan trọng trong quá trình chứng minh và làm sáng tỏ vụ án, chính vì vậy pháp luật quy định rất cụ thể về thẩm quyền thu thập chứng cứ trong tố tụng hình sự.

Căn cứ theo Điều 88 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, các chủ thể có thẩm quyền thu thập chứng cứ bao gồm:

Thứ nhất: Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng

Theo Điểm a Khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng gồm: cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Thứ hai: Người bào chữa

Tại Khoản 1 Điều 72 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa.

Trong đó, người bào chữa được quy định tại Khoản 2 Điều 72 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 có thể là: Luật sư; Người đại diện của người bị buộc tội; Bào chữa viên nhân dân; Trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý

Thứ ba: Những người tham gia tố tụng khác, cơ quan, tổ chức hoặc bất cứ cá nhân nào khác

Các đối tượng này đều có thể đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án.

3. Chứng cứ trong vụ án hình sự được thu thập từ những nguồn nào?

Theo khoản 1 Điều 87 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì chứng cứ trong vụ án hình sự được thu thập từ những nguồn sau:

1. Chứng cứ được thu thập, xác định từ các nguồn:

a) Vật chứng;

b) Lời khai, lời trình bày;

c) Dữ liệu điện tử;

d) Kết luận giám định, định giá tài sản;

đ) Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án;

e) Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác;

g) Các tài liệu, đồ vật khác.

2. Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự.

Như vậy chứng cứ là một trong những chế định quan trọng của pháp luật tố tụng hình sự: Để giải quyết đúng đắn vụ án hình sự, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án phải xác định sự việc phạm tội và người thực hiện hành vi phạm tội. Quá trình thực hiện hành vi phạm tội là quá trình đã xảy ra trong quá khứ, muốn hình dung, tái hiện được diễn biến của nó cơ quan tiến hành tố tụng phải dựa vào chứng cứ của vụ án. Vì vậy việc thu thập chứng cứ trong thủ tục tố tụng hình sự rất quan trọng cần thực hiện theo đúng thẩm quyền đúng theo quy định của pháp luật nhằm phục vụ cho việc giải quyết đúng đắn vụ án hình sự.

Trên đây là một số những giải đáp về “Chứng cứ”. Để được tư vấn thêm thông tin chi tiết Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp với Meta Law theo thông tin sau:

Công ty Luật TNHH META LAW

🏠 Địa chỉ: Tầng 5, số 137 Hoàng Quốc Việt, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.

🌐 Web: https://metaasia.vn/

☎️ Hotline tư vấn: 0869.898.809

✉️Email: tuvanmeta@gmail.com