Quyền tác giả và điều kiện bảo hộ quyền tác giả

1. Khái niệm

Khoản 2 điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005 định nghĩa “Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.”

Đặc điểm

Đối tượng của QTG là sản phẩm của hoạt động sáng tạo tinh thần

Tác phẩm – đối tượng của quyền tác giả phản ánh tư tưởng, tình cảm, phong cách, nhân sinh quan… của người sáng tác do đó nó thường chứa đựng một nội dung tinh thần nhất định. Hầu hết lĩnh vực sáng tạo của quyền tác giả chủ yếu thiên về văn hóa, nghệ thuật, để thỏa mãn nhu cầu tinh thần và nâng cao hiểu biết về các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học.

Quyền tác giả được xác lập tự động: quyền tác giả phát sinh một cách tự nhiên mà không cần phụ thuộc vào hình thức, thủ tục nào. Khi một tác phẩm được định hình dưới hình thức nhất định để người khác có thể nhận biết được thì tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đương nhiên sẽ có các quyền tác giả đối với tác phẩm đó. Khoản 1 điều 6 Luật sở hữu trí tuệ quy định:

Quyền tác giả chỉ bảo hộ về hình thức thể hiện tác phẩm, không bảo hộ ý tưởng sáng tạo

Các sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học chỉ có ý nghĩa khi công chúng có thể tiếp cận được nó, nên quyền tác giả chỉ được pháp luật bảo hộ khi tác phẩm được thể hiện thông qua hình thức nhất định để có thể nhận biết, xác định được tác phẩm.

2. Tác phẩm đối tượng của quyền tác giả

Theo khoản 7 điều 4 Luật sở hữu trí tuệ: “Tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào.”

Khoản 3 điều 14 Luật sở hữu trí tuệ 2005 quy định:Tác phẩm được bảo hộ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác.”

Từ quy định trên có thể xác định dấu hiệu của tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả là: tính sáng tạo; tính nguyên gốc; được thể hiện bằng bất kỳ hình thức hoặc phương tiện nào.

Tính sáng tạo

Tác phẩm là thành quả của hoạt động sáng tạo tinh thần, tác phẩm phải là kết quả của quá trình suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo, phản ánh tư tưởng, tình cảm của người sáng tạo. tác phẩm được bảo hộ cho những sáng tạo do con người tạo ra, gắn với yếu tố cá nhân của tác giả, những tác phẩm về bản chất do máy móc hay động vật tạo ra không thể hiện tư tưởng, tình cảm của một con người cụ thể , do đó không được coi là thành quả sáng tạo tinh thần và bị loại trừ ra khỏi những đối tượng bảo hộ quyền tác giả.

Được thể hiện dưới một hình thức nhất định

Mọi sản phẩm sáng tạo trí tuệ đều bắt đầu từ ý tưởng sáng tạo. Những ý tưởng sáng tạo này chỉ là tư duy cho nên con người chỉ có thể tiếp cận và hưởng lợi giá trị của những ý tưởng sáng tạo này nếu ý tưởng sáng tạo được bộc lộ và chứa đựng dưới phương tiện, hình thức nhất định. pháp luật quyền tác giả không do đó không bảo hộ ý tưởng mà chỉ bảo hộ hình thức thể hiện ý tưởng. Sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học chỉ được công nhận là tác phẩm nếu được thể hiện dưới hình thức nhất định. ví dụ: tác phẩm thơ, truyện thể hiện dưới dạng những trang viết, tác phẩm điện ảnh được thể hiện dưới những thước phim…….

Tính nguyên gốc

Theo pháp Luật Canada, tính nguyên gốc được đáp ứng nếu tác giả là người đầu tiên tạo ra tác phẩm và không sao chép từ tác phẩm khác. Pháp luật Pháp quy định tác phẩm phải mang dấu ấn sáng tạo cá nhân mới được bảo hộ quyền tác giả.

Khoản 3 điều 14 Luật sở hữu trí tuệ quy định tác phẩm được bảo hộ “phải do tác giả trực tiếp sáng tạo ra bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác”. Theo quy định trên của Luật sở hữu trí tuệ , tính nguyên gốc chỉ đòi hỏi tác phẩm do chính tác giả tạo ra, mang đặc trưng riêng và có thể phân biệt được với những tác phẩm của người khác. Như vậy, Tính nguyên gốc được hiểu là tác phẩm đó mang dấu ấn riêng của tác giả. Dấu ấn riêng có thể là về tư duy hay phong cách thể hiện của người sáng tác, dấu ấn đó có thể thể hiện ở nội dung hoặc hình thức.

Cần chú ý rằng, Tính nguyên gốc không đồng nghĩa với “tính mới” về mặt thời gian. Tác phẩm không cần có nội dung, ý tưởng mới mà chỉ cần do tác giả tạo ra, mang dấu ấn riêng để phân biệt được với tác phẩm của người khác.

3. Tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả

Theo quy định tại điều 14 Luật sở hữu trí tuệ gồm:

  • Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm:
  • Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;
  • Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;
  • Tác phẩm báo chí, âm nhạc, nhiếp ảnh;
  • Tác phẩm điện ảnh, sân khấu;
  • Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng;
  • Tác phẩm kiến trúc;
  • Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, công trình khoa học;
  • Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;
  • Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.
  • Tác phẩm phái sinh (nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh).

4. Các đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả

Điều 15 Luật sở hữu trí tuệ quy định các đối tượng không được bảo hộ trong phạm vi quyền tác giả bao gồm:

  • Tin tức thời sự thuần túy đưa tin là các thông tin báo chí ngắn hàng ngày, chỉ mang tính chất đưa tin không có tính sáng tạo.
  • Văn bản hành chính bao gồm văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân.
  •  Quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu không được bảo hộ quyền tác giả bởi tính sáng tạo không được thỏa mãn. Tuy nhiên, quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động có thể được bảo hộ với danh nghĩa đối tượng sở hữu công nghiệp như sáng chế hoặc bí mật kinh doanh khi thỏa mãn các điều kiện theo quy định của pháp luật.

Trên đây là tư vấn của Công ty Luật TNHH META LAW về Quyền tác giả và Điều kiện bảo hộ quyền tác giả. Để được tư vấn thêm thông tin chi tiết Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp với META LAW theo thông tin sau:

Công ty Luật TNHH META LAW

🏠 Địa chỉ: Tầng 5, số 137 Hoàng Quốc Việt, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.

🌐 Web: https://metaasia.vn/

☎️ Hotline tư vấn: 0869.898.809

✉️Email: tuvanmeta@gmail.com