Khi nào thì biện pháp kê biên tài sản đang tranh chấp được áp dụng?

Quy định của pháp luật tố tụng dân sự hiện hành về biện pháp khẩn cấp tạm thời cơ bản đảm bảo vai trò đảm bảo việc thi hành án và kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tạo sự thuận lợi cho đương sự thực hiện quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và giúp Tòa án dễ dàng trong việc xem xét áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời cũng như giải quyết khiếu nại, kiến nghị. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ trình bày về biện pháp “kê biên tài sản đang tranh chấp” một cách chi tiết.

1.Cơ sở pháp lý về kê biên tài sản đang tranh chấp

Căn cứ Điều 120 Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015 (BLTTDS) tuân thủ pháp luật về kê biên tài sản đang tranh chấp được quy định như sau:

“Điều 120. Kê biên tài sản đang tranh chấp

1.Kê biên tài sản đang tranh chấp được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản.

2. Tài sản bị kê biên có thể được thu giữ, bảo quản tại cơ quan thi hành án dân sự hoặc lập biên bản giao cho một bên đương sự hoặc người thứ ba quản lý cho đến khi có quyết định của Tòa án.”

Kê biên là hoạt động bảo đảm thi hành án do cơ quan thi hành án tiến hành kiểm kê, lập danh sách tài sản thuộc sở hữu của bị can, bị cáo hoặc người có trách nhiệm dân sự theo bản án, quyết định của Toà án. Tài sản đang tranh chấp (tài sản là đối tượng của tranh chấp) là tài sản đang có hai hay nhiều người cùng xác nhận quyền của mình đối với tài sản đó và phủ định quyền của người kia đối với tài sản mà tài sản đó hiện không rõ thuộc về người nào. Như vậy, kê biên tài sản đang tranh chấp là một trong những biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự là một trong ba biện pháp khẩn cấp tạm thời có tính bảo toàn đối với tài sản đang tranh chấp.

2.Trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời kê biên tài sản đang tranh chấp

Biện pháp được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy “Người giữ tài sản đang tranh chấp” là người giữ tài sản trực tiếp có liên quan đến vụ tranh chấp hoặc do cơ quan có thẩm quyền giao trách nhiệm trong việc giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi tẩu tán và hủy hoại tài sản.

Như vậy,  mục đích của biện pháp trên là ngăn chặn hành vi  tẩu tán và hủy hoại tài sản đang tranh chấp của các chủ thể nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy chủ thể giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản nhằm trốn tránh quyền và nghĩa vụ thì Tòa án có quyền áp dụng hành vi biện pháp khẩn cấp tạm thời trên để ngăn chặn hành vi mà họ đang thực hiện, để đảm bảo cho việc thi hành án dân sự.

Ví dụ: Có vi bằng của Thừa phát lại xác định việc người giữ tài sản có hành vi đập phá tài sản đang tranh chấp.

Và tài sản bị kê biên có thể được thu giữ bảo quản tại cơ quan thi hành án dân sự hoặc lập biên bản giao cho một bên đương sự hoặc người thứ ba quản lý cho đến khi có quyết định của Tòa án.

3. Trình tự, thủ tục tiến hành kê biên tài sản đang tranh chấp

Theo Khoản 1 Điều 88 Luật hi hành án dân sự thì trước khi kê biên tài sản là bất động sản ít nhất là 03 ngày làm việc chấp hành viên thông báo cho đại diện chính quyền xã hoặc đại diện tổ dân phố nơi tổ chức cưỡng chế, đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về thời gian, địa điểm, tài sản kê biên trừ trường hợp cần ngăn chặn đương sự tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án dân sự.

Trường hợp đương sự vắng mặt thì có thể ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình trường hợp đã được thông báo hợp lệ mà đương sự hoặc người được ủy quyền vắng mặt thì chấp hành viên vẫn tiến hành việc kê biên nhưng phải mời người làm chứng và ghi rõ vào nội dung biên bản kê biên.

Trường hợp không mời được người làm chứng thì chấp hành viên vẫn tiến hành việc kê biên nhưng phải ghi rõ vào nội dung biên bản kê biên.

Khi kê biên đồ vật, nhà ở, công trình kiến trúc nếu vắng mặt người phải thi hành án hoặc người đang quản lý, sử dụng tài sản đó mà phải mở khóa, phá khóa thì chấp hành viên tự mình hoặc có thể thuê cá nhân, tổ chức khác mở khóa, phá khóa hoặc mở gói. Trong trường hợp này phải có người làm chứng. Người phải thi hành án phải chịu thiệt hại do việc mở khóa, phá khóa, mở gói. Trường hợp cần thiết sau khi mở khóa, phá khóa, mở gói chấp hành viên niêm phong đồ vật và giao bảo quản theo quy định. Việc mở khóa, phá khóa, mở gói hoặc niêm phong phải lập biên bản, có chữ ký của những người tham gia và người làm chứng.

Như vậy, nếu tài sản đang có tranh chấp thì chấp hành viên vẫn có thể kê biên nếu chủ thể hoặc các bên có liên quan không tự giải quyết được thì có quyền khởi kiện ra Tòa để giải quyết. Nếu chủ thể vắng mặt khi tiến hành kê biên tài sản thì chấp hành viên vẫn phải tiến hành kê biên bình thường nhưng phải làm đúng các thủ tục đã nêu trên.

4. Thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp kê biên tài sản đang tranh chấp

Theo quy định tại Điều 112 BLTTDS 2015, quy định cụ thể như sau:

“Điều 112. Thẩm quyền quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời

1.Trước khi mở phiên tòa, việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời do một Thẩm phán xem xét, quyết định.

2.Tại phiên tòa, việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời do Hội đồng xét xử xem xét, quyết định.”

Trên đây là những giải đáp của Công ty Luật TNHH Meta Law về vấn đề Biện pháp kê biên tài sản đang tranh chấp. Để được tư vấn thêm thông tin chi tiết Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp với Meta Law theo thông tin sau:

Công ty Luật TNHH META LAW

🏠 Địa chỉ: Tầng 5, số 137 Hoàng Quốc Việt, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.

🌐 Web: https://metaasia.vn/

☎️ Hotline tư vấn: 0869.898.809

✉️Email: tuvanmeta@gmail.com

Biên tập: Huyền