Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và điều kiện để được thực hiện?

Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là một trong những nội dung mới được Luật Hôn nhân và Gia đình (Luật HN&GĐ) năm 2014 ghi nhận. Đây được xem là một bước đột phá trong công tác lập pháp khi Nhà nước cho phép các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn được làm cha, làm mẹ bằng việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Vậy mang thai hộ về mục đích nhân đạo là gì? điều kiện để thực hiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo như thế nào?

Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là gì?

Căn cứ vào khoản 22 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014: “ Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.”

Điều kiện để được mang thai hộ vì mục đích nhân đạo?

Điều kiện để thực hiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được quy định tại điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, cụ thể như sau:

Thứ nhất, Về chủ thể

  • Đối với Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;

b) Vợ chồng đang không có con chung;

c) Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

  • Đối với người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ;

b) Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần;

c) Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ;

d) Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng;

đ) Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

Thứ hai, phải có thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

Việc thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo giữa vợ chồng nhờ mang thai hộ và vợ chồng người được nhờ mang thai hộ phải có các nội dung cơ bản sau: (i) Thông tin đầy đủ về bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ theo các điều kiện có liên quan; (ii) Cam kết thực hiện các quyền, nghĩa vụ như quy định của Luật; (iii) Việc giải quyết hậu quả trong trường hợp có tai biến sản khoa; hỗ trợ để bảo đảm sức khỏe sinh sản cho người mang thai hộ trong thời gian mang thai và sinh con, việc nhận con của vợ chồng nhờ mang thai hộ, quyền và nghĩa vụ của hai bên đối với con trong trường hợp con chưa được giao cho bên nhờ mang thai hộ và các quyền, nghĩa vụ khác có liên quan; (iv) Trách nhiệm dân sự trong trường hợp một hoặc cả hai bên vi phạm cam kết theo thỏa thuận.
   Đây là những nội dung cơ bản mà hai bên cần phải thỏa thuận. Việc thỏa thuận này chỉ có giá trị pháp lý khi nó được lập thành văn bản và có công chứng. Điều này đảm bảo rằng các điều kiện của việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đã được đáp ứng và sự công nhận về mặt pháp lý sẽ là cơ sở đảm bảo việc mang thai hộ sẽ được pháp luật bảo vệ khi xảy ra các tranh chấp. Ngoài ra, trường hợp vợ chồng bên nhờ mang thai hộ ủy quyền cho nhau hoặc vợ chồng được nhờ mang thai hộ ủy quyền cho nhau về việc thỏa thuận thì việc ủy quyền này phải được lập thành văn bản có công chứng. Và việc ủy quyền cho người thứ ba không có giá trị pháp luật. Có nghĩa là, việc ủy quyền chỉ được pháp luật thừa nhận khi sự ủy quyền trong mối quan hệ giữa hai vợ chồng bên nhờ mang thai hộ và bên được nhờ mang thai hộ thực hiện. Điều kiện về sự ủy quyền này xuất phát từ điều kiện tự nguyện và tính chất liên quan, ảnh hưởng trực tiếp của những người tham gia thực hiện việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Bên thứ ba này mặc dù có mối quan hệ thân thiết với vợ chồng một trong hai bên nhưng suy cho cùng họ không chịu sự ràng buộc trực tiếp đối với đứa trẻ sinh ra trong việc mang thai hộ.

Xác định cha mẹ, con trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo?

Xác định con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có ý nghĩa rất quan trọng nhằm tránh trường hợp những trường hợp tranh chấp xảy ra: như bên mang thai hộ không giao con cho bên nhờ mang thai hộ, xác định các vấn đề liên quan đến thừa kế,…. Vì lý do đó Luật Hôn nhân và gia đình 2014 đã quy định chặt chẽ trường hợp này, theo đó “Con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra.”

Những vấn đề có thể phát sinh khi khi thực hiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

Về mặt xã hội, quy định mang thai hộ có tính nhân đạo giúp các cặp vợ chồng có vấn đề về sức khoẻ có khả năng có con theo ý nguyện. Đây cũng là việc phù hợp với truyền thống văn hoá của người dân Việt Nam là muốn có con nối dõi. Về mặt pháp luật, cho phép mang thai hộ sẽ hạn chế tình trạng đẻ thuê, đẻ mướn, buôn bán trẻ em. Tuy nhiên, việc cho phép mang thai hộ hiện nay có  một số vấn đề bất cập có thể xảy ra như:

  1. Vấn đề “du lịch sinh sản”: Việc cho phép thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm để mang thai hộ với chi phí thấp tại Việt Nam rất có thể sẽ có nhiều cặp vợ chồng người nước ngoài đến Việt Nam để thực hiện kỹ thuật này. Như vậy, vì lợi nhuận và vì khó khăn kinh tế có thể sẽ có trường hợp phụ nữ Việt Nam trở thành công cụ sản xuất những đứa trẻ. Những đứa trẻ này có thể sẽ được hợp pháp hoá bằng con đường cho làm con nuôi người nước ngoài. Tuy nhiên cũng có nhiều rủi ro xảy ra cho người mang thai hộ và đứa trẻ nếu cha mẹ người nước ngoài ly hôn không muốn nhận con hoặc thủ tục cho làm con nuôi phức tạp, mất nhiều thời gian. …Trong trường hợp này cần có quy định để hạn chế việc mang thai hộ đối với người nước ngoài và có cơ chế để bảo vệ phụ nữ, trẻ em.
  2. Luật Hôn nhân và gia đình quy định chỉ cho phép những người có quan hệ thân thích cùng hàng với cặp vợ chồng nhờ mang thai được phép mang thai hộ. Tuy nhiên như vậy sẽ rất hạn chế đối tượng được phép mang thai hộ và tạo ra sự bất bình đẳng cho các trường hợp không có người thân thích cùng hàng. Bên cạnh đó, việc thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm đòi hỏi chi phí lớn cũng là một trở ngại lớn đối với những cặp vợ chồng không thể có con nhưng cũng không có tiền để thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm để mang thai hộ. Điều này có thể cũng sẽ gây ra những phản ứng tiêu cực của đối tượng này và vẫn duy trì tình trạng đẻ thuê bằng cách quan hệ trực tiếp để có con.
  3. Các bác sĩ và nhân viên của các Trung tâm hỗ trợ sinh sản có thể là những người “tiếp tay” để thực hiện mang thai hộ với một số đối tượng không đủ điều kiện. Điều này có thể làm mất giá trị nhân đạo của kỹ thuật này và gây hậu quả xấu cho xã hội.
  4. Có thể có người mang thai hộ trong quá trình mang thai sẽ nảy sinh tình cảm và yêu quý đứa trẻ, sau khi sinh con thì giấu không muốn trao con cho cha mẹ nhờ mang thai hộ hoặc đến thời điểm giao đứa trẻ nhưng không giao con. Việc này có thể ra gây ra tranh chấp, kiện tụng kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là đứa trẻ.
  5. Việc mang thai hộ có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của người mang thai hộ trong quá trình mang thai, sinh con, thậm chí có thể gây tử vong cho người mang thai, hoặc đứa trẻ bị dị tật, người mang thai  hộ bị xảy thai nhưng lại quan hệ với người khác để có thai và lừa dối người nhờ mang thai hộ… nên cần phải có quy định chặt chẽ về sức khoẻ, đạo đức của người mang thai hộ, quyền và nghĩa vụ của các bên.
  6. Mang thai hộ không nhằm mục đích thương mại nhưng có thể sẽ là một lý do để sau khi mang thai người mang thai hộ đòi hỏi tiền hoặc lợi ích vật chất từ người nhờ mang thai hộ.
  7. Có thể sẽ có tranh chấp phát sinh về quyền thừa kế của đứa trẻ với người mang thai hộ hoặc đòi hỏi của đứa trẻ được biết về sự thật ai là người sinh ra mình. Ai là cha mẹ thật.
  8. Có thể sẽ có trường hợp người vợ bị người chồng hoặc họ hàng nhà chồng ép buộc mang thai hộ hoặc trường hợp người vợ mang thai hộ mà người chồng không biết. Điều này cũng sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến sự an toàn và phát triển của đứa trẻ cũng như quan hệ tình cảm, đạo đức của các bên liên quan.
  9. Trường hợp đứa trẻ sinh ra thì cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ ly hôn, không ai muốn nhận đứa trẻ. Như vậy, đứa trẻ bị đặt trong tình trạng không ai muốn nuôi dưỡng và có nhiều khả năng bị bỏ rơi.

Bài viết được Luật sư thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể vui long liên hệ: LS Mai Văn Xuân- Công ty Luật META Law, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, theo số 0869 898 809.

Trên đây là những giải đáp của Công ty Luật TNHH Meta Law về Biện pháp ngăn chặn và căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự? . Để được tư vấn thêm thông tin chi tiết Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp với Meta Law theo thông tin sau:

Công ty Luật TNHH META LAW

🏠 Địa chỉ: Tầng 5, số 137 Hoàng Quốc Việt, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.

🌐 Web: https://metaasia.vn/

☎️ Hotline tư vấn: 0869.898.809

✉️Email: tuvanmeta@gmail.com